Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

- Thứ Sáu, 14/02/2020, 12:44 - Chia sẻ
Sáng 14.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã làm việc với Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc về chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) năm 2020.

Tham dự cuộc làm việc có: Thường trực các Ủy ban Tư pháp, Đối ngoại... 

Báo cáo về một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xuất phát từ bối cảnh đó, hoạt động giám sát năm nay của Quốc hội đã được cân nhắc, tính toán hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và cử tri. Cụ thể là, Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" tại Kỳ họp thứ Chín; UBTVQH giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" tại Phiên họp tháng 9. Hiện nay, Đoàn giám của Quốc hội và UBTVQH đều đã và đang triển khai các hoạt động theo kế hoạch, bảo đảm mục tiêu, tiến độ đề ra. Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với thời gian dự kiến 3 ngày. Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nhất là về ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động chất vấn. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn. Tại phiên họp tháng 8.2020, UBTVQH sẽ tổ chức chất vấn đối với một số nội dung liên quan đến một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành, lĩnh vực chưa được chất vấn tại Quốc hội, UBTVQH. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, nghị quyết về chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2019, gồm cả Nghị quyết 113 về giám sát lại của Quốc hội Khóa XIII. “Đây là một trong những nội dung trọng tâm, đặc biệt được chú trọng trong hoạt động giám sát của năm 2020 nói riêng và cả nhiệm kỳ nói chung, có tính chất giám sát lại, vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm đi đến cùng giám sát các vấn đề đã được Quốc hội yêu cầu thực hiện, đồng thời cũng mang tính tổng kết, đánh giá những nhiệm vụ đã hoàn thành, nhiệm vụ chưa hoàn thành cần tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa XIV”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh. Hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội đang chỉ đạo xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai kèm theo Đề cương báo cáo, phân công thẩm tra, gửi xin ý kiến các đơn vị theo quy định, dự kiến trình xin ý kiến UBTVQH, ban hành đầu tháng 3. Với tính chất quan trọng của hoạt động này, để có cơ sở xây dựng nghị quyết chung cho cả nhiệm kỳ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động bổ sung hoạt động này vào chương trình giám sát năm 2020 nhằm triển khai thực hiện các công việc như: yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo, tổ chức khảo sát thực tế, giải trình khi cần thiết, tổ chức thẩm tra theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. 

Về giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH, hiện mới chủ yếu được tiến hành kết hợp trong quá trình giám sát các chuyên đề và cũng mới chỉ tập trung vào đánh giá tiến độ ban hành, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết mà chưa đi sâu vào nội dung cụ thể của từng văn bản. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách từ đầu nhiệm kỳ, báo cáo UBTVQH (dự kiến vào tháng 9). Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH đề nghị, UBTVQH có văn bản đôn đốc, chỉ đạo để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban triển khai thực hiện, đồng thời xây dựng báo cáo gửi UBTVQH.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong năm 2019; biểu dương nỗ lực của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH trong công tác tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, UBTVQH, trong đó có hoạt động giám sát. 


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH

Cơ bản đồng tình với 9 nhóm nội dung trọng tâm và các kiến nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH về chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2020, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH cần được tiến hành động bộ, thống nhất, hiệu quả; bám sát các quy định Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng Nhân dân cũng như quy chế phục vụ hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH cần phát huy, kế thừa kinh nghiệm và đổi mới hơn nữa kể cả về phương thức, cách thức trong hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan triển khai thi hành hoạt động giám sát, đặc biệt là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi được phân công chủ trì giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trong quá trình triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH thường xuyên cập nhật thông tin, đánh giá tình hình và kịp thời báo cáo UBTVQH khi có vấn đề phát sinh, cần điều chỉnh. 

Đối với việc triển khai giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là những chuyên đề giám sát cuối trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và đều là chuyên đề lớn, do đó, các cơ quan được giao chủ trì giám sát cần tập trung triển khai nhằm hoàn thành chương trình, kế hoạch đã đề ra. 

Đặc biệt, với giám sát về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Quốc hội, UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung trọng tâm, có phạm vi rộng, đánh giá kết quả hậu giám sát nên cần có sự tập trung, phối hợp giữa các cơ quan liên quan ngay từ đầu thì mới có kết quả tốt. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH cần coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tập trung chỉ đạo và khẩn trương trong xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Tin và ảnh: Thanh Chi