Phiêu lưu trở về nơi hoang dã

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 16:20 - Chia sẻ
Để thực hiện cuốn sách tranh “Chang hoang dã - Gấu”, Jeet Zdung đã vào rừng hai tháng ròng rã. Từ những trải nghiệm thực tế, qua quá trình quan sát, ký họa động thực vật đã giúp họa sĩ trẻ này cho ra đời hàng trăm bức vẽ kể câu chuyện thú vị, đầy cảm xúc về tình bạn giữa con người và thiên nhiên.

Hành trình cùng Sorya

Khi mới tám tuổi, trong một lần đi học về, Chang đã vô tình chứng kiến cảnh tượng những chú gấu bị hành hạ trong trại nuôi nhốt gấu để lấy mật. Đêm đó, Chang tự hứa nhất định lớn lên sẽ không để các loài động vật hoang dã bị hành hạ như vậy nữa. Năm này qua năm khác, cuối cùng Chang cũng trở thành tình nguyện viên cho các tổ chức bảo tồn. Thời gian làm tình nguyện viên, Chang đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, chăm sóc những con vật bị thương bị bắt trộm được giải cứu đưa về đây. Đây cũng là nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa Chang và Sorya, bắt đầu cho hành trình dấn thân của Chang và cơ hội trở về nhà của Sorya.

"Chang hoang dã - Gấu" bắt đầu với hành trình của Chang và ước mơ bảo tồn động vật hoang dã
"Chang hoang dã - Gấu" bắt đầu với hành trình của Chang và ước mơ bảo tồn động vật hoang dã
Sorya bị mất mẹ và được cứu khỏi trại của bọn buôn gấu khi mới hai tuần tuổi nên rất nhút nhát, sợ hãi. Cô bé không biết cách để sinh tồn, nên vẫn phải sống trong cánh rừng nhỏ bé của khu bảo tồn động vật hoang dã. Hình ảnh của Sorya đã thôi thúc Chang hành động. Trái tim cô như lắng nghe và thấu hiểu được tiếng gọi tự do, khao khát tự do của Sorya. Chang quyết định đồng hành với Sorya trên con đường trở về nhà, về với thiên nhiên và tự do. Chang và Sorya lên đường tìm kiếm nơi ở mới cho Sorya, cùng băng qua những khu rừng khô cằn, những cánh rừng bị ngập, những cánh rừng có quá nhiều lâm tặc đến chặt phá, những cánh rừng đã bị san trụi trở thành công trường xây dựng, để tìm thấy một cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp.
Đó chính là câu chuyện “Chang hoang dã - Gấu”, của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn, tác giả phần chuyện kể đồng thời là nhân vật truyền cảm hứng của cuốn sách, và họa sĩ Jeet Zdung với phần vẽ tranh. Jeet Zdung đã được Trang Nguyễn “đặt hàng”. Trong cuộc trò chuyện tại Hà Nội tháng 6 vừa qua, họa sĩ chia sẻ: “Ban đầu, yêu cầu đặt ra đơn giản thôi, nhưng tôi không muốn làm kiểu minh họa mà kỳ vọng về một hình hài cuốn truyện tranh đúng nghĩa, chân thật và hấp dẫn, nhất là với chủ đề về bảo tồn động vật hoang dã, vì ở Việt Nam, mức độ quan tâm đến những hoạt động như thế còn ít”.
Cuốn truyện tranh là hành trình dấn thân của Chang và cơ hội trở về nhà của Sorya.
Cuốn truyện tranh là hành trình dấn thân của Chang và cơ hội trở về nhà của Sorya.

Bản gốc các bức tranh đều được vẽ bằng màu nước trên chất giấy cao cấp, thu từ những trải nghiệm thực tế. Ở đó, từng chi tiết được chăm chút khiến không gian thiên nhiên trở nên sinh động. Chang và Sorya lúc dạo bước trên những thảm cỏ mướt xanh, dưới những tán cây rộng lớn, lúc đắm trong dòng suối mát lạnh, gặp rất nhiều loài động vật sống trong rừng... 

Từ những điều chân thực

Jeet Zdung chia sẻ, khi nhận lời Trang, anh đã vẽ dựa trên ấn tượng và nghiên cứu hình dáng gấu trên mạng. “Tôi không nhớ đã vẽ đi vẽ lại bao nhiêu lần, lần nào cũng thấy thật ấu trĩ, con gấu chó chẳng khác gì vũ công mặc trang phục gấu cả. Cho đến khi tôi đến trung tâm cứu hộ gấu của tổ chức Free the Bears tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên và khu cứu hộ Phnom Tamao (Campuchia) để có cơ hội tận mắt quan sát Sorya và các loài gấu ở đây”. Sorya có khuôn mặt đáng yêu, hiền lành và ngây ngô, cô bé nhỏ con so với những bạn gấu khác cùng tuổi. Cuộc gặp gỡ với cô gấu này đã giúp Jeet Zdung phác họa sống động những đặc điểm của Sorya từ hình dáng đến hành vi.

Cuộc gặp gỡ với cô gấu này đã giúp Jeet Zdung phác họa sống động những đặc điểm của Sorya từ hình dáng đến hành vi
Cuộc gặp gỡ với cô gấu này đã giúp Jeet Zdung phác họa sống động những đặc điểm của Sorya từ hình dáng đến hành vi
Gần 2 tháng thực địa cho nguồn tư liệu dồi dào để tái hiện hình ảnh đặc trưng của rừng nhiệt đới Việt Nam, là ý đồ của tác giả để những ai đọc “Chang hoang dã - Gấu” nhìn ra, cảm nhận và “chạm” vào thiên nhiên của đất nước Việt Nam. Jeet Zdung kể lại: “Có lần, ở khu vực cỏ nước rậm rạp, tôi quyết định xuống xem như thế nào để khi vẽ cho hợp lý, chợt giật mình gặp những đùm tròn tròn, bên những bông lục bình hoa tím... là chỗ mà cá sấu Xiêm tạo ra. Đi thực tế, có những trải nghiệm giúp tôi hình dung để xây dựng trang truyện thật nhất có thể”.
Khắc họa những sông suối lớn
Khắc họa những sông suối lớn
...và những cánh rừng nhiệt đới ẩm rậm rạp với động thực vật phong phú

Để tái hiện sống động nhất có thể môi trường và sinh cảnh của những cánh rừng, các loài thực vật trong sách đều được chọn lọc cẩn thận. Cách thể hiện bầu không khí, màu sắc cây cối cũng phải khác biệt. Để ra được khu rừng Việt Nam, họa sĩ phải tập trung vào từng chi tiết, cây cối chen chúc, màu sắc bàng bạc chứ không tươi rói... Mặc dù là truyện tranh, nhưng khi vẽ, Jeet Zdung cố gắng tránh nhân hóa các loài động vật song chúng vẫn biểu cảm được cơ bản các cách giao tiếp của mình. Vì điều quan trọng mà “Chang hoang dã - Gấu” hướng đến là kể một câu chuyện chân thực, truyền cảm.

Kể một câu chuyện chân thực dựa trên những nhân vật có thực, nhưng thực tế còn khắc nghiệt hơn nhiều. Trong truyện, Sorya có phần vui vẻ hơn so với ở trại cứu hộ. Ở trại cứu hộ, vì bạn nhỏ hơn, chậm chạp hơn các bạn gấu khác nên thường bị bắt nạt. Trước khi quyết định điều gì, bạn ấy cũng do dự hơn, lúc nào cũng sợ sệt ai đó đến bắt nạt mình. Sorya trong truyện được trở về với tự nhiên, còn Sorya ngoài đời vẫn phải ở trong khu bảo tồn. Nhưng từng câu chuyện, hình ảnh trong trang sách có thể giúp kể điều gì đó về gấu, về động vật hoang dã, và đặt câu hỏi về cách chúng ta ứng xử, chung sống và bảo vệ chúng như thế nào. Đó là lý do, 'Chang hoang dã' là một series chứ không dừng lại là cuốn sách tranh đơn lẻ”, họa sĩ Jeet Zdung cho biết.

Từ tháng 3.2020, truyện tranh “Chang hoang dã - Gấu” bằng tiếng Việt chính thức được phát hành, ngay trong tuần đầu gần 3.000 bản in đã được bán hết. Hãng xuất bản uy tín Pan MacMillan của Anh đang thương thuyết mua bản quyền với Nhà xuất bản Kim Đồng để có thể xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Anh ở các nước khác. "Chang hoang dã" phần tiếp theo dự kiến có chủ đề về voi. Toàn bộ lợi nhuận từ dự án sẽ được sử dụng cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam.

Hải Đường