Phiên họp thứ Ba mươi tám của UBTVQH

- Thứ Ba, 12/05/2015, 22:10 - Chia sẻ
* Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất kỳ quy định nào cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, giải trình rõ lý do sửa đổi * Dự án Luật Trưng cầu ý dân: Làm rõ sự khác nhau giữa lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân * Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Cần bình tĩnh đánh giá, phân tích kỹ để có quyết sách đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, phù hợp với mục tiêu của chiến lược an sinh xã hội

Sáng 12.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Theo Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, dự thảo Bộ luật Dân sự đã có khoảng 7,5 triệu người tham gia góp ý kiến. Kết quả lấy ý kiến nhân dân đã được Bộ Tư pháp tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Dự thảo Bộ luật thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa... Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật vẫn còn một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Bộ luật Dân sự thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân, cho các hoạt động kinh tế.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý; đồng thời lưu ý, Bộ luật Dân sự được sửa đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ xã hội, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào của Bộ luật Dân sự cũng cần được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện; giải trình rõ lý do sửa đổi, bổ sung từng điều, khoản trong Bộ luật.

Tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các Ủy viên UBTVQH khẳng định, dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, tiếp thu đầy đủ ý kiến người dân, nhằm bảo đảm Bộ luật Dân sự xử lý được các mối quan hệ dân sự trong quá trình hội nhập quốc tế.

Liên quan đến nội dung cụ thể của dự án Bộ luật Dân sự, như thời hiệu, Điều 152 dự thảo Bộ luật đã sửa đổi quy định về thời hiệu theo hướng: bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Ủy ban Pháp luật đề nghị giải trình rõ việc bỏ quy định thời hiệu khởi kiện có dẫn tới khả năng một giao dịch dân sự có thể xảy ra tranh chấp vào bất cứ thời điểm nào hay không, có bảo đảm trật tự xã hội không; trong khi đó, thời hiệu yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu đang được dự thảo Bộ luật quy định tại Điều 162? Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, để bảo đảm quy định của dự thảo Bộ luật không bị rối, cần xác định thời hiệu khởi kiện. Trước đó, thời hiệu khởi kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội và giải quyết các vấn đề cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Ví như, sự kiện xảy ra là năm 1960, sẽ khác với thời điểm năm 1970. Tại thời điểm năm 1960, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị xử lý các vấn đề đó cũng khác so với năm 1970. Nếu không xác định thời hiệu khởi kiện, mà lại lấy hoàn cảnh những năm 1970 và những năm sau đó giải quyết quyết sự việc trong những năm 1960 là hoàn toàn không đúng.

Đối với quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo Điều 483 dự thảo Bộ luật: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp, bởi đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có sự thay đổi linh hoạt theo KT - XH. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định về lãi suất cơ bản là cần thiết, để có khung nhằm điều chỉnh những chính sách liên quan đến lãi suất, tránh việc cho vay nặng lãi hoặc lợi dụng quy định để trốn thuế. Theo Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, khi tranh chấp tài sản giữa A và B, giá trị tài sản giải quyết tranh chấp từ những năm 1970 và đến những năm 1980 vẫn chưa giải quyết được; trong thời gian đó, giá trị tài sản và giá trị để giải quyết tranh chấp phải được tính đúng thời điểm tranh chấp là năm 1970. Theo đó, cần có một chuẩn nhất định để giải quyết tranh chấp, đó chính là giá trị của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý, hiện nay lãi suất Ngân hàng Nhà nước không có lãi suất cơ bản. Ngân hàng Nhà nước có 3 lãi suất là lãi suất chiết khấu, lãi suất cơ cấu và lãi suất qua đêm - Đây mới chỉ là công cụ gián tiếp để tác động vào thị trường tiền tệ.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân nêu rõ, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Điều 29 Hiến pháp 2013 quy định: Nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 điều, quy định về nguyên tắc trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân…

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Về những vấn đề đề nghị QH trưng cầu ý dân (Điều 6), Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Do vậy, cần quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân theo Phương án 1 của dự thảo là: Những vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của QH. Đồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung các điều kiện và tiêu chí đối với vấn đề được đề nghị trưng cầu ý dân.

UBTVQH cơ bản tán thành các nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Về Điều 6, nhiều thành viên UBTVQH tán thành Phương án 1, tuy nhiên đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nếu quy định như dự thảo thì chưa thấy được sự cần thiết phải trưng cầu ý dân. Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển cho rằng, có 2 vấn đề cần trưng cầu ý dân. Thứ nhất là những vấn đề vượt thẩm quyền của QH được quy định trong Hiến pháp. Thứ hai là những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH nhưng nếu QH quyết định thì chưa đủ sức mạnh pháp lý. Ngoài ra cũng cần có quy định về những vấn đề không trưng cầu ý dân như liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ...

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết từ ngày 26.3, công nhân một số doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60 về Bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nguyên nhân là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt. Nhiều người lao động vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn. Vì thế, kiến nghị QH điều chỉnh Điều 60 theo hướng: trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trình bày Báo cáo ý kiến về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ, Thường trực Ủy ban đề xuất xem xét một trong hai phương án. Phương án 1 là tán thành với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cần có lộ trình để nâng dần điều kiện thời gian nghỉ việc từ 2 - 3 năm mới được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 2 là giao Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện chính sách này. Với phương án này cũng cần xây dựng lộ trình để nâng dần điều kiện thời gian và phải đồng bộ với quy định tại khoản 3, Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đa số ý kiến UBTVQH cho rằng QH cần xem xét, cho ý kiến về vấn đề này trước khi quyết định có sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hay không và nếu sửa thì theo phương án nào trong hai phương án nêu trên. Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, quan điểm, mục tiêu khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội ở Điều 60 là đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới, hướng tới một chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động, không phải tính đóng vào là ăn liền. Việc xảy ra phản ứng của một bộ phận người lao động và chỉ ở một doanh nghiệp sau đó lan ra vài doanh nghiệp của một số tỉnh là hơi cá biệt và đáng tiếc. Nhưng dù là nguyên nhân nào, chủ quan hay khách quan, thì cũng cần bình tĩnh đánh giá, phân tích kỹ để có những quyết sách, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, phù hợp với mục tiêu hướng tới của chiến lược an sinh xã hội.

H. Ngọc - N. Điệp