Phiên họp thứ Ba mươi sáu của UBTVQH

- Thứ Ba, 10/03/2015, 20:55 - Chia sẻ
* Về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường: Không điều tiết 100% số tăng thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường về ngân sách trung ương * Vốn đầu tư Dự án đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, Quảng Ngãi: Ngân sách trung ương hỗ trợ dự án là cần thiết nhưng phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước * Bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Các công trình này phải nằm trong quy hoạch tổng thể về mua sắm, xây dựng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài * Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán: Kế toán vừa là công cụ quản lý tài chính của doanh nghiệp và là công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước

Sáng 10.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, nêu rõ: trước bối cảnh giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp như hiện nay, cùng với việc phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế như: thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do của Tổ chức Thương mại thế giới, Lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại tự do trong nội khối ASEAN; lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc... - Chính phủ đề nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 ngày 14.7.2011 của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo đó, Chính phủ đề xuất mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít, dầu mazut từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; dầu nhờn từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; mỡ nhờn từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít... Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ: việc điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng dầu là phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế; ổn định hợp lý giá xăng dầu trong nước, tương đương giá xăng dầu các nước trong khu vực (ASEAN, Trung Quốc và các nước có liên quan); góp phần giảm giá bán đối với nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10), từ đó khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững theo xu thế tăng trưởng xanh trên toàn cầu; đồng thời, góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong điều kiện giá dầu thô liên tục giảm.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Đa số Ủy viên UBTVQH nhất trí với việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý, đây là loại thuế có tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên cần phải tính toán thận trọng để có lộ trình phù hợp. Một số ý kiến cũng đề nghị, lý lẽ, lập luận về việc tăng thuế bảo vệ môi trường phải thuyết phục hơn, tránh gây hiểu lầm việc tăng thuế chủ yếu là để bù đắp hụt thu ngân sách...

Về phân bổ số thu thuế bảo vệ môi trường tăng thêm, Chính phủ đề nghị UBTVQH phân bổ 100% số thu về ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đa số ý kiến UBTVQH không nhất trí với đề xuất này. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đã là điều tiết giữa ngân sách trung ương và địa phương thì phải theo Luật Ngân sách Nhà nước. Có thể quy định điều tiết tỷ lệ cho ngân sách trung ương cao hơn, địa phương thấp hơn nhưng không thể chuyển 100% phần ngân sách tăng từ tăng thuế bảo vệ môi trường về Trung ương.

Tiếp đó, UBTVQH đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án đường Tịnh Phong – cảng Dung Quất 2, Quảng Ngãi và việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án đường Tịnh Phong – cảng Dung Quất 2, dự án thuộc phạm vi địa phương quản lý, thực hiện. Tuy nhiên, do quy mô dự án lớn, trong khi điều kiện ngân sách của Quảng Ngãi còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư tập trung của ngân sách địa phương hàng năm chỉ khoảng 700 - 800 tỷ đồng và được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nên việc bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án là rất khó khăn. Để giúp tỉnh Quảng Ngãi thực hiện được dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã có ý kiến thẩm định về nguồn vốn và thống nhất trình Thủ tướng hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi từ nguồn vượt thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phần do ngân sách trung ương hưởng năm 2014 và các năm tiếp theo, mức hỗ trợ tối đa không quá 2.500 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn I của dự án. Quảng Ngãi chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các công việc có liên quan và toàn bộ giai đoạn 2 của Dự án.

Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành chủ trương hỗ trợ Quảng Ngãi thực hiện dự án từ nguồn ngân sách trung ương như Tờ trình của Chính phủ vì đây là dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, tạo động lực khai thác tiềm năng, thu hút các dự án đầu tư tại khu Công nghiệp Dung Quất 2 và Khu phức hợp Việt Nam – Singapore, gắn với lợi thế cụm cảng nước sâu Dung Quất 2. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý, đây là công trình của địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Theo quy định hiện hành, công trình do địa phương phê duyệt nếu muốn hỗ trợ vốn ngân sách trung ương thì phải tính toán, xác định lại sự cần thiết, cấp bách, quy mô để bảo đảm hiệu quả. Đề xuất lấy ngay nguồn vượt thu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (phần do ngân sách trung ương hưởng năm 2014 và các năm tiếp theo) để hỗ trợ cho dự án này là không đúng với quy định hiện hành, không đúng với cơ chế quản lý ngân sách nhà nước. Các ý kiến này cho rằng, việc ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện dự án này là cần thiết nhưng quy trình, thủ tục phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Các Ủy viên UBTVQH cũng cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, UBTVQH đồng ý bổ sung 22,431 triệu USD để hoàn trả số vốn được phép ứng trước từ nguồn thu này; bổ sung 129 triệu USD vào dự toán chi ngân sách 2015 để thực hiện các dự án đầu tư theo danh mục kèm theo Tờ trình của Chính phủ. Các Ủy viên UBTVQH cũng nêu rõ, các công trình này phải nằm trong quy hoạch tổng thể về mua sắm, xây dựng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để xác định ưu tiên công trình nào cần làm trước, công trình nào có thể làm sau, bảo đảm hiệu quả.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày. Theo đó, Luật Kế toán có hiệu lực từ ngày 1.1.2004. Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung như: quy định hạch toán theo giá gốc không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán nuớc ta chưa đuợc sửa đổi, bổ sung kịp thời trong điều kiện kinh tế - tài chính đã có sự thay đổi và chuẩn mực kế toán quốc tế đã được cập nhật. Việc bảo đảm vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán cần phải thể hiện rõ hơn...

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán; tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, một số nội dung liên quan đến công tác kế toán, trong đó có những vấn đề quan trọng được quy định tại các văn bản dưới luật như: hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hành nghề kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp... đã thực hiện ổn định trong nhiều năm, song chưa được đưa vào dự thảo Luật.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đồng thời nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán phải bám sát quá trình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nuớc và yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán chưa đáp ứng yêu cầu chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và bảo đảm nền tài chính công khai, minh bạch. Thực tế, trong quản lý tài chính, ngân sách đã có thất thoát, lãng phí, tham nhũng nhưng công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, kiểm toán chưa khắc phục được. Vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán có góp phần giải quyết được vấn đề này hay không? Hay, một số quy định về hoạt động kế toán chứng khoán, kế toán ngân hàng trong điều kiện mới cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới - tại sao dự án Luật chưa đề cập đến những vấn đề này? Mặt khác, Luật Kế toán hiện hành được ban hành từ 10 năm trước, khi nước ta mới trong giai đoạn đầu tiên xây dựng nền kinh tế thị trường, đến nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc sửa đổi Luật này phải có điểm gì khác để đáp ứng thông lệ quốc tế? Đây là những vấn đề cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ.

Q. Khánh - H. Ngọc