Phiên họp thứ Ba mươi bảy của UBTVQH

- Thứ Năm, 09/04/2015, 20:26 - Chia sẻ
* Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Bảo đảm tất cả thẩm quyền của Chính phủ quy định trong Hiến pháp đều đượåc cụ thể hóa * Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Chỉ quy định chung phạm vi những vấn đề, loại việc mà chính quyền địa phương có thể đảm nhiệm được, tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư và địa bàn quản lý * Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Đồng ý thành lập nhưng cần tính toán kỹ vấn đề biên chế * Dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND: Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do QH thành lập cùng lúc với việc công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi trình QH khóa mới xác nhận tư cách ĐBQH

Sáng 9.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; cụ thể hóa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các khoản của Điều 96, Hiến pháp năm 2013. Có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể để bảo đảm quy định đầy đủ bao quát nhưng tránh chồng chéo, trùng lặp. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đề nghị cho chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng: bảo đảm tất cả các thẩm quyền của Chính phủ quy định trong Hiến pháp đều được cụ thể hóa; lược bỏ quy định về thẩm quyền chung tại Điều 6 của dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Tám để tránh trùng lặp; bổ sung quy định nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân (Điều 19); rà soát sửa đổi lại các nội dung của từng điều, khoản cụ thể cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ với nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng trong từng lĩnh vực cụ thể. Theo UBTVQH, Hiến pháp đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và địa vị pháp lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Luật tiếp tục cụ thể hóa các thẩm quyền này, qua đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể Chính phủ và thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng. Cách quy định này vừa bám sát quy định của Hiến pháp, vừa xác định rõ hơn mối quan hệ và trách nhiệm giữa Chính phủ với Thủ tướng trong việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính, hành pháp và chấp hành.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo, đồng thời đề nghị các cơ quan sớm hoàn thiện dự thảo Luật để trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, khoản 5, Điều 96 Hiến pháp 2013 nêu rõ, Chính phủ lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh, đây là chế định rất quan trọng thể hiện Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ sự lãnh đạo của Chính phủ, cũng như chưa rõ sự phân cấp như thế nào. Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền cũng cho rằng, việc xác định rành mạch chức năng của các bộ và cơ quan ngang bộ là rất quan trọng, nhưng trong điều kiện hiện nay, công tác quản lý nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, vì vậy, cần thể hiện rõ hơn nội dung này trong dự thảo Luật.

Về mối quan hệ giữa QH với Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước nêu rõ, Hiến pháp đã quy định QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; đồng thời, Hiến pháp cũng quy định nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của chúng ta có sự kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy trong Luật Tổ chức Chính phủ này, nguyên tắc kiểm soát quyền lực được thực hiện như thế nào? Chính phủ kiểm soát như thế nào đối với QH và các cơ quan tư pháp? Cần phải làm rõ vấn đề này trong luật.

Tiếp đó, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ: về phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật đề nghị, chỉ quy định một cách chung nhất phạm vi những vấn đề, những loại việc mà chính quyền địa phương có thể đảm nhiệm được, tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư và địa bàn quản lý. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện nên được quy định trong các luật chuyên ngành. Theo đó, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền làm cơ sở để các luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính. Tán thành với Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về việc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các địa phương với nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thể hiện trong dự thảo Luật nội dung tăng cường liên kết giữa các địa phương trong các vùng cũng như giữa các vùng trong phát triển kinh tế vùng, tạo không gian phát triển thống nhất, góp phần phát huy nội lực kinh tế đất nước.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về: Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Trình bày các Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sau khi thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình, diện tích của thành phố Tam Điệp sẽ là 10.497,9ha, với 104.175 nhân khẩu và 9 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, sau khi thành lập phường Yên Bình và thành lập thành phố Tam Điệp thì tỉnh Ninh Bình không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (8 đơn vị) và cấp xã (145 đơn vị), chỉ chuyển 1 thị xã thành 1 thành phố và chuyển 1 xã thành 1 phường. Xã Yên Bình chỉ đạt 3/4 tiêu chí thành lập phường, song thị xã Tam Điệp lại đáp ứng đủ 10 tiêu chí để thành lập thành phố. Tỉnh Ninh Bình xác định nhu cầu vốn đầu tư cho phường Yên Bình và thành phố Tam Điệp giai đoạn 2015 - 2020 là 1.932,087 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách trung ương là 1.269,287 tỷ đồng (chiếm 65,7%); vốn từ ngân sách địa phương là 187,800 tỷ đồng (chiếm 9,72%); vốn doanh nghiệp là 425 tỷ đồng (chiếm 22,0%); vốn huy động từ nhân dân 50 tỷ đồng (chiếm 2,59%).

Đối với việc thành lập thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, thị xã Kỳ Anh được thành lập từ việc tách 11 xã và thị trấn Kỳ Anh ra khỏi huyện Kỳ Anh hiện nay, với diện tích 28.025,03ha và 85.508 nhân khẩu. Như vậy, huyện Kỳ Anh còn lại 76.161,7ha diện tích đất tự nhiên, 120.518 nhân khẩu và 21 xã. Tỉnh Hà Tĩnh xác định nhu cầu vốn đầu tư cho thị xã Kỳ Anh và của huyện Kỳ Anh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính giai đoạn 2015 - 2020 là 2.580 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 520 tỷ đồng (chiếm 20%); ngân sách địa phương là 750 tỷ đồng (chiếm 29%); vốn doanh nghiệp là 1.213 tỷ đồng (chiếm 47%); vốn huy động từ nhân dân và các tổ chức khác là 97 tỷ đồng (chiếm 4%). Các đề án thành lập thành phố Tam Điệp (Ninh Bình), thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và các phường thuộc thành phố, thị xã nêu trên đều được cử tri trên địa bàn đồng tình, trình ra HĐND tỉnh, thị trấn thông qua.

Trình bày các báo cáo thẩm tra với 2 Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập thành phố Tam Điệp, thị xã Kỳ Anh. Nhưng với việc thành lập thành phố Tam Điệp, Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan trình Đề án giải trình thêm nguồn vốn từ ngân sách trung ương được huy động (1.269,2 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị khi được thành lập để bảo đảm tính khả thi của Đề án. Đối với việc thành lập thị xã Kỳ Anh, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thành lập thị xã này sẽ phát sinh thêm 314 biên chế, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm quán triệt Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI) về chủ trương tinh giản biên chế, vừa bảo đảm hoàn thiện tổ chức bộ máy để chính quyền ở các đơn vị này thực hiện hiệu quả yêu cầu quản lý nhà nước. Ngoài ra, do phần lớn (9/12) số đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Kỳ Anh nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng, nên Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần làm rõ, ở khu vực này sẽ thực hiện quy hoạch xây dựng theo quy hoạch xây dựng của khu kinh tế hay thực hiện theo quy hoạch đô thị của địa phương?

Các Ủy viên UBTVQH tán thành với việc thành lập thành phố Tam Điệp và thị xã Kỳ Anh; nhấn mạnh, đô thị hóa là nhu cầu khách quan, phù hợp với quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH cũng nêu rõ, cần nghiên cứu tìm giải pháp để tăng biên chế ở mức thấp nhất.

Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, căn cứ vào ý kiến của UBTVQH tại phiên họp trước, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cho chỉnh lý lại quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc chỉ đạo, tổ chức bầu cử (tại Điều 4). Theo đó, QH quyết định ngày bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND chung cho toàn quốc, quyết định việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong thời gian giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. UBTVQH ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật; thực hiện việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND các cấp... Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do QH thành lập cùng lúc với việc công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi trình QH khóa mới xác nhận tư cách ĐBQH. Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Liên quan đến cơ cấu đại biểu là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước nêu thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số hiện sinh sống tại 56 tỉnh trên cả nước, chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, miền núi nhưng lại phân tán, không tập trung tại một địa bàn cụ thể. Điều này khiến các địa phương rất khó dựa vào tỷ lệ dân cư để đưa người dân tộc thiểu số vào danh sách ứng cử ĐBQH. Vì vậy, việc quy định tỷ lệ 15% tổng số người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số là phù hợp với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng dân số nước ta, nhưng rất khó để bảo đảm có đại diện của 20 dân tộc tham gia QH. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị, cần nâng tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc thiểu số lên 17 - 18%, để bảo đảm có thể có đại diện của 20 dân tộc thiểu số tham gia QH.

P. THỦY – T. CHI