Phiên họp thứ Ba mươi bảy của UBTVQH

- Thứ Ba, 07/04/2015, 23:37 - Chia sẻ
* Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Cần đánh giá đầy đủ tác động của quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân * Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi): Cần quy định các biện pháp điều tra đặc biệt ngay trong Bộ luật

Sáng 7.4, tiếp tục Phiên họp thứ Ba mươi bảy, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Theo Tờ trình về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, sau hơn 14 năm thi hành, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt, trong đó tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Nhiều quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã không còn đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội hình sự phạm hiện nay. Năm 2009, QH Khóa XII cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng do phạm vi sửa đổi chỉ giới hạn trong một số điều nên chưa thể khắc phục được đầy đủ, toàn diện những bất cập của Bộ luật Hình sự, ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự là hết sức cần thiết. Theo đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có 441 điều (tăng 87 điều so với bộ luật hiện hành), giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều và bãi bỏ 8 điều.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban cho rằng, tội phạm và hình phạt chỉ nên quy định trong Bộ luật Hình sự, không quy định trong một số đạo luật chuyên ngành hoặc mở rộng nguồn của luật hình sự nhằm bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính minh bạch và dễ áp dụng. Thực tế cho thấy, việc chỉ quy định tội phạm và hình phạt trong Bộ luật Hình sự là thành tựu lớn trong hoạt động lập pháp hình sự của nước ta kể từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay.

Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, không nên đặt vấn đề bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Bởi lẽ, những vướng mắc trong việc xử lý các pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật chứ không phải là do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ vào các quy định hiện hành vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Bên cạnh đó, nếu đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế và chỉ trong một số loại tội thì sẽ không bảo đảm sự công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự. Điều này có thể gây tác động bất lợi đối với việc thực hiện chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong tình hình mới và bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Hình sự và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Về việc mở rộng nguồn của tội phạm hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành quan điểm: tất cả tội phạm hình sự phải được quy định trong Bộ luật Hình sự. Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đa số thành viên UBTVQH cho rằng, chưa nên quy định vấn đề này trong Bộ luật Hình sự. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, không nên vì áp lực hội nhập mà vội vã đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự khi chưa đánh giá được đầy đủ tác động. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, Chính phủ giải trình rõ hơn vấn đề này để trình QH xem xét, quyết định.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án Bộ luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Cụ thể là, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng còn thiếu và có những nội dung chưa phù hợp với thực tế nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tố tụng. Thẩm quyền của những người trực tiếp giải quyết vụ án như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tiến độ giải quyết vụ án. Bộ luật hiện hành còn thiếu một số quyền quan trọng bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội. Các quy định về căn cứ tạm giam còn định tính và chủ yếu dựa vào sự phân loại tội phạm, dẫn đến việc lạm dụng tạm giam trong thực tế. Quy định về một số biện pháp cưỡng chế tố tụng chưa đầy đủ, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật. Bộ luật hiện hành mới chỉ quy định thủ tục áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội; chưa quy định thủ tục cho người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; thiếu các biện pháp bảo vệ người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác. Nhiều quy định của Bộ luật hiện hành còn chung chung, thiếu các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, các thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong tố tụng hình sự; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp; xác định rõ trách nhiệm của từng chức danh tố tụng; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục nhằm tạo điều kiện để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới ban hành và nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến tố tụng hình sự mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt là, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và tăng trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng; bảo đảm các thủ tục tố tụng phải công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản, dễ tiếp cận, hạn chế tối đa các quy định chung chung phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.

Về biện pháp điều tra đặc biệt trong tố tụng hình sự, khoản 2, Điều 206 của dự thảo Bộ Luật quy định: Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể các biện pháp điều tra đặc biệt và trình tự, thủ tục áp dụng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không tán thành quy định này, và đề nghị, các biện pháp điều tra đặc biệt phải được quy định cụ thể ngay trong dự thảo Bộ luật. Bởi, biện pháp điều tra đặc biệt là vấn đề rất phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự; liên quan đến bí mật điều tra khám phá vụ án và liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Các Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Hải quan; Luật Phòng, chống rửa tiền… cũng mới chỉ ghi nhận một số biện pháp điều tra đặc biệt, còn một số Luật khác đều giao cho Chính phủ quy định. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy, phải quy định các biện pháp điều tra đặc biệt, trình tự thủ tục áp dụng ngay trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), không quy định vấn đề này trong các văn bản dưới luật.

N. GIANG – N. ĐIỆP