Phía sau tiếng cười

- Thứ Ba, 19/01/2016, 08:21 - Chia sẻ
Đề cập nhiều vấn đề nóng của xã hội, tác phẩm Quan thanh tra của Nikolai Vasilyevich Gogol vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, dự kiến công diễn từ cuối tháng 2 tới. Mặc dù được viết từ 180 năm trước nhưng vở kịch vẫn truyền tải được một số bức xúc của dư luận ngày nay, nhất là nạn tham nhũng.

Không phải hài kịch thông thường

Vở kịch kể về anh công chức lang thang đến một thị trấn xa xôi, hẻo lánh miền Nam nước Nga và bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg bí mật đi thị sát. Cánh quan chức ở đây vốn là những kẻ tham nhũng nên lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ “quan lớn”. Nhân dịp đó, chúng tố cáo, nói xấu nhau. Viên thị trưởng còn định lợi dụng cả vợ và con gái hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng để áp bức, bóc lột dân chúng nhiều hơn. Vở kịch lấy bối cảnh ở một vùng hẻo lánh nhưng đã vạch trần bộ máy quan chức cồng kềnh, mục nát của chế độ Sa Hoàng thế kỷ XIX. Đạo diễn, NSƯT Chí Trung cho biết, anh mất nhiều thời gian để nghiền ngẫm 42/100 tác phẩm kịch kinh điển của sân khấu thế giới, cuối cùng chọn Quan thanh tra của Nikolai Vasilyevich Gogol. “Tác phẩm được viết từ 180 năm trước nhưng đặt ra ngồn ngộn vấn đề mà ngày nay vẫn xảy ra, nhất là vấn nạn tham nhũng”.

Kịch bản Quan thanh tra khi dịch ra tiếng Việt dày 115 trang, NSƯT Chí Trung gọt giũa, cắt xuống còn khoảng 61 trang, diễn trong hai tiếng đồng hồ  nhưng truyền tải được nhiều vấn đề xã hội quan tâm gần đây. “Chuyện dư luận phản đối việc bỏ môn lịch sử, vấn đề thiếu giường bệnh tại các bệnh viện, hay tình trạng án oan… nhất là nạn tham nhũng, đó là thông điệp cốt lõi của Quan thanh tra. Tôi không muốn làm một vở hài kịch thông thường trôi tuột đi bằng tiếng cười. Thực ra với kịch kinh điển, không thể làm cười chỉ để mà cười, nó sẽ làm xấu kịch kinh điển” - NSƯT Chí Trung nói.

Các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ với nhiều phong cách khác nhau, đã mang đến cho khán giả tiếng cười châm biếm sâu cay trong những tình huống trớ trêu trên sân khấu. Khắc họa những nhân vật bình thường đã khó, đây lại là những “nhân vật chuột”, đúng hơn là một đám chuột, từ chủ sự Bưu vụ đến Chánh án hay Viện trưởng Viện tế bần, các nghệ sĩ đã khắc họa thực trạng nước Nga đương thời cũng như truyền tải thông điệp mang ý nghĩa thời sự mà đạo diễn gửi gắm. Với lớp diễn viên trẻ nhiều khi chỉ đuổi theo tiếng cười mà chưa hiểu hết đằng sau tiếng cười là nước mắt. Cười như không nhưng thực ra rất đau, bởi tất cả giá trị cuộc sống con người nằm trong tay bọn quan tham. Đạo diễn Chí Trung bắt diễn viên không được biến vở diễn này thành hài kịch thông thường, nhưng cũng không thể biến nó thành kinh kịch, cũng không thể là một vở kinh điển. “Chúng tôi phải hài hòa trong một tổng thể. Quan trọng nhất là đời sống thực của vở diễn trong nền sân khấu hiện nay... Việc hài kịch đề cập đến tham nhũng hay các vấn đề thời sự khác không chỉ để phê phán mà còn giúp xã hội tốt đẹp hơn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là phòng chống tham nhũng, do đó, nghệ thuật cũng cần phải góp sức mình”.


Người Việt kể chuyện Nga

Song song với quá trình gọt giũa kịch bản, NSƯT Chí Trung cũng lựa chọn nhân sự dựng kịch, từ đặt hàng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác ca khúc trên nền nhạc Nga, đến lựa chọn biên đạo múa Lâm Yến, người có 7 năm học múa ở Nga phụ trách phần vũ đạo; họa sĩ Doãn Bằng thực hiện sân khấu, phục trang. Cả êkíp muốn tác phẩm mang tinh thần của văn hóa Nga. Vở diễn áp dụng công nghệ ánh sáng và hình ảnh hiện đại qua màn chiếu nhằm tái hiện hình ảnh các biệt thự cổ kính, khung cảnh kiến trúc lâu đài mái vòm thế kỷ XIX, trang trí sân khấu gợi mở cùng vũ điệu âm nhạc rộn ràng của những thiếu nữ xứ sở bạch dương. Đạo diễn Chí Trung khẳng định: “Chúng tôi đã cố gắng làm tiếng cười khác Đời cười, Phát điên vì tiền… để mong chờ ở những vở diễn như thế này. Những điều xấu trong tác phẩm, mình biết nó xấu để mình cải tạo chứ không phải để nói xấu”.

Nghệ sĩ hài Vân Dung vào vai Anna Andreiepna, vợ của thị trưởng thành phố Anton Antonovich, gây ấn tượng mạnh khi diễn tả thành công nét tính cách hóm hỉnh, hài hước của nhân vật. Chia sẻ bên lề vở diễn, nữ nghệ sĩ cho biết, sau mấy mươi năm làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ, đây lần đầu tiên chị được phân một vai diễn dài hơi trong vở kịch kinh điển nổi tiếng thế giới. “Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy mình được xinh đẹp trên sân khấu, hơn nữa đây lại là một vai trong vở diễn rất khó. Với riêng tôi, đây gần như là điều không tưởng. Tôi đã xem nhiều bộ phim, kịch các nước châu Âu, của Nga, cố gắng học hỏi diễn xuất nhập vai quý tộc, phu nhân. Đây là dịp để tôi và nhiều bạn diễn nâng cao trình độ của mình qua những tác phẩm kinh điển, qua đó có dịp hiểu nhiều hơn về văn hóa Nga”.

Hồng Hà