Chính sách và cuộc sống

Phép thử với thuế tiêu dùng

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:07 - Chia sẻ
Dư luận mấy ngày nay xôn xao với đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh trong văn bản góp ý cho dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước” mà Bộ Tài chính đang xây dựng. Đặc biệt, họ quan tâm nhất tới những đề xuất về các sắc thuế tiêu dùng.

Cụ thể, văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài thuế xuất nhập khẩu thì 3 sắc thuế tiêu dùng hiện hành còn lại của Việt Nam (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường) đều có dư địa để mở rộng cơ sở thuế. Đầu tiên, địa phương này đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung một số đối tượng chịu thuế đặc biệt như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ...

Theo lý giải của TP Hồ Chí Minh, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ khá cao cấp, vì thế, việc đánh thuế sẽ giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên. Còn điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu nhưng cũng nên chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới. Đây chính là đề xuất bị dư luận phản đối mạnh nhất.

Với thuế giá trị gia tăng, Việt Nam hiện có tới 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế này, như vậy là khá nhiều so với thông lệ quốc tế thường chỉ có từ 4 - 8 nhóm. Do đó, TP Hồ Chí Minh cho rằng cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế, chỉ nên giữ lại một số hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị gia tăng. 

Cuối cùng, với thuế bảo vệ môi trường, TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung pin, ắc quy, các loại thuốc bảo quản thực vật vào diện chịu thuế. Bởi quá trình sản xuất và sử dụng hàng hóa này gây ô nhiễm, cần đánh thuế để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Phản ứng của dư luận trước những đề xuất mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh là “phép thử” mà Bộ Tài chính dù không muốn cũng phải lưu tâm trong quá trình xây dựng “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”. Với những đặc điểm: Đóng góp số thu lớn, ổn định cho ngân sách; phạm vi áp dụng rộng; thu gián tiếp nên tương đối dễ thu, thuế tiêu dùng được hầu hết các Chính phủ rất ưa chuộng. Ở nước ta, trong những năm qua, tổng thu thuế tiêu dùng ngày càng tăng về số tuyệt đối và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí.

Trong bối cảnh thu thuế xuất nhập khẩu giảm do ảnh hưởng của tự do hóa thương mại, việc xem xét mở rộng cơ sở thuế đối với các sắc thuế tiêu dùng khác là động thái tất yếu của các nước. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nhưng để có được một quyết định chính xác, nhận được sự ủng hộ rộng rãi, Bộ Tài chính hoặc tốt nhất là Quốc hội, nên phối hợp với một tổ chức nghiên cứu độc lập, tiến hành một nghiên cứu toàn diện và đầy đủ đánh giá tác động của các sắc thuế tiêu dùng trong thời gian vừa qua đối với đời sống của các nhóm dân cư và tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội quyết định có tiếp tục dịch chuyển mạnh hơn nữa nguồn thu thuế từ các loại thuế thu nhập sang thuế tiêu dùng hay không.

Cuối cùng, bên cạnh việc nghĩ cách tăng nguồn thu cho ngân sách thì việc kiểm soát chi ngân sách cũng quan trọng không kém. Đơn giản vì không lãng phí, thất thoát một đồng ngân sách cũng có nghĩa ngân sách tăng thêm một đồng.

Hà Lan