Nhịp cầu

Phạt xong cho tồn tại?

- Thứ Hai, 13/05/2019, 07:35 - Chia sẻ
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cử tri phản ánh có nhiều công trình xây dựng lấn chiếm, xâm phạm lòng sông Mã, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và việc chống úng ngập của địa phương.

Theo phản ánh của cử tri và các hộ dân sống gần khu vực sông Mã, huyện Quan Hóa, hiện nay nhiều doanh nghiệp ngang nhiên xây tường kè lấn chiếm lòng sông Mã, thậm chí có đoạn bị lấn ra cả chục mét, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ ngập úng khi mùa mưa lũ đến. Cụ thể, cử tri xã Xuân Phú phản ánh gần một năm nay HTX Hợp Phát - doanh nghiệp chuyên sản xuất lâm sản đã tự ý lấn chiếm bãi sông, bờ sông, thậm chí có đoạn xây bờ kè đá dài hơn 50m, vươn rộng ra gần giữa dòng sông, khiến người dân rất bức xúc. Ông Lê Văn Hợp, 75 tuổi, người gắn liền với sông Mã từ tuổi ấu thơ buồn rầu cho biết: Sông Mã, đoạn chảy qua các xã Phú Thanh, xã Xuân Phú xưa kia vốn khá thẳng và sâu, ấy vậy mà chỉ vài năm nay, doanh nghiệp lấn chiếm khiến lòng sông ngày càng hẹp lại, ách tắc, ảnh hưởng đến dòng chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Xuân Thành, xã Xuân Phú bức xúc nói: Việc HTX Hợp Phát lấn chiếm lòng sông Mã đã diễn ra khá lâu. Thậm chí đã bị UBND xã và huyện lập biên bản xử phạt vi phạm nhưng đến nay họ vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc hai bên bờ sông Mã, điều rất dễ nhận thấy đoạn cách cầu Na Sài gần 100m, nối Quốc lộ 15A đi Quan Hóa - Mường Lát, HTX Hợp Phát đã sử dụng số lượng lớn đá để kè bao xung quanh khu vực nhà xưởng. Chân móng lấn chiếm ra dòng sông Mã cả vài mét, bờ kè so với nền cao khoảng 2m. Điều đáng nói, công trình lấn chiếm trái phép trên nằm ngay sát chân cầu Na Sài không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ mà còn không bảo đảm an toàn giao thông mỗi khi tàu, thuyền qua lại.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trương Nho Tự cho biết: Có thời điểm trên địa bàn huyện có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp vi phạm hành lang bờ sông Mã, nhưng sau đó huyện đã chỉ đạo UBND các xã có dòng sông Mã chảy qua kiểm tra và xử lý kịp thời, hầu hết các hộ đã tự tháo dỡ công trình lấn chiếm. Riêng đối với HTX Hợp Phát, sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện đã cử đoàn kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc. Kết quả điều tra cho thấy, đơn vị này đã có hành vi vi phạm lấn chiếm bãi sông. Căn cứ Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, đồng thời buộc doanh nghiệp khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Rõ ràng, việc cử tri phản ánh các doanh nghiệp vi phạm pháp luật đối với lòng sông Mã - công trình thủy lợi chính phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp là có thật, thậm chí HTX Hợp phát cũng đã bị lập biên bản xử phạt, nhưng hiện công trình vi phạm vẫn không được tháo dỡ. Cử tri và nhân dân đặt câu hỏi, phải chăng biên bản xử phạt không có tác dụng, hay có sự bao che của chính quyền phạt xong cho tồn tại? Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng trên, bảo đảm dòng chảy lòng sông thông suốt, hạn chế rủi ro úng ngập trong mùa mưa, bão, bảo đảm an toàn cho người dân yên tâm sản xuất.

NHẬT ANH