Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh

- Chủ Nhật, 08/12/2013, 09:02 - Chia sẻ
Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 - 2020 là một trong những nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND thành phố Khóa XIV. Nghị quyết được thông qua sẽ khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo quy định quy hoạch, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hỗ trợ đặc biệt cho vùng nông nghiệp chuyên canh

 Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao là một trong những mục tiêu mà ngành nông nghiệp thành phố đang hướng đến. Dù đã có nhiều cố gắng, song những năm qua do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp dần; biến đổi khí hậu cộng với tình hình suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: các vùng sản xuất chưa tập trung, còn phân tán; chưa có chính sách cụ thể trong việc đào tạo nghề nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm… Để khắc phục những tồn tại, việc hỗ trợ cho vùng nông nghiệp tập trung theo chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 - 2020 gồm: hỗ trợ về đào tạo, tập huấn kỹ thuật; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm và xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất.

Tại các vùng chuyên canh về giống cây trồng, thủy sản sẽ được thành phố hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống lần đầu; giống vật nuôi được hỗ trợ thụ tinh nhân tạo, phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản. Về phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, thành phố sẽ hỗ trợ 50% chi phí bảo vệ thực vật trong năm đầu và 30% trong năm thứ hai gồm: thuốc, công lao động, thuê máy. Nếu sử dụng các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc sinh học để phòng, chống dịch trong sản xuất rau, quả, chè sẽ được hỗ trợ 70% chi phí trong năm đầu và 50% trong năm thứ hai. Đối với vật nuôi, thành phố sẽ hỗ trợ cho nông dân chi phí tiêm phòng vaccine, công tiêm đối với các loại bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tai xanh và dịch tả lợn; hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường…

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng được đặc biệt quan tâm trong chính sách hỗ trợ. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức khi ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân có ứng trước một phần chi phí mua giống, vật tư sản xuất thì được hỗ trợ 100% lãi suất tính theo mức lãi suất Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh TP Hà Nội; các doanh nghiệp khi thu mua sản phẩm nông sản của tổ chức, cá nhân theo hợp đồng để tiêu thụ, trong trường hợp giá thị trường xuống thấp hơn giá thu mua đã phải ký lưu kho bảo quản thì được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% phí lưu kho… Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, mức hỗ trợ này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân, ứng vốn cho nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải lưu hành kho bảo quản nông sản.

Với kinh phí ngân sách dự kiến chi cho các nội dung khoảng 1.468 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 - 2020, (bình quân 210 tỷ đồng/năm), chiếm 74% tổng kinh phí ngân sách dự kiến thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế - Ngân sách thành phố cần phải xem xét kỹ, nhất là điều kiện hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả trong điều kiện NSNN còn hạn chế; việc UBND thành phố đề xuất cao hơn mức tối đa Trung ương quy định, không kèm theo điều kiện áp dụng như trung ương quy định là không hợp lý. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất phạm vi là các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ổn định theo quy hoạch, vùng sản xuất chuyên canh có kinh nghiệm và truyền thống sản xuất, không hỗ trợ tràn lan.

Chủ động cho các địa phương

Thực tiễn cho thấy, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân là yếu tố cốt lõi của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc đẩy mạnh thu hút chính sách của nhà nước để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn đang là hướng đi đúng và vững chắc, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Thảo luận về vấn đề này trước khi thông qua dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Văn Phong (Tổ đại biểu Sóc Sơn) cho rằng, thực tế chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng nông thôn theo Quyết định 16 của UBND thành phố đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc hình thành nhanh các vùng sản xuất tập trung. Do vậy, cần tận dụng cơ hội có chính sách hỗ trợ mới này để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài phần hỗ trợ của thành phố, một số địa phương cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ giống, cơ giới hóa cho nông dân; đại biểu đề nghị việc tổ chức thực hiện chính sách này nên phân cấp cho quận, huyện, thị xã để tạo sự chủ động cho địa phương. Đồng thời, đại biểu Tô Văn Cường (tổ đại biểu Thường Tín) cũng đề nghị bổ sung vào danh mục các vùng sản xuất được hưởng chính sách khuyến khích phát triển của thành phố vùng sản xuất hoa cây cảnh tại xã Hồng Vân, vì hiện, trên địa bàn xã có 50ha chuyên canh cây cảnh.

Mặt khác, về hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Phạm Nguyên Nhung (tổ đại biểu Thanh Trì) cho rằng, không nên quy định danh mục giống cây trồng, vật nuôi quá cụ thể mà nên dựa trên tiêu chí của Bộ NN và PTNT về giống mới; cần bổ sung thêm vùng chuyên canh rau an toàn Duyên Hà trên địa bàn huyện Thanh Trì vào danh mục vùng sản xuất chuyên canh được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố. Đồng thời, theo đại biểu, ngoài ban hành chính sách hỗ trợ, HĐND cũng cần ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát và quy định chế tài xử lý việc thực hiện chính sách hỗ trợ không đúng.

Đối với Hà Nội, khu vực nông nghiệp và nông thôn đã và đang tiếp tục khẳng định vị trí hết sức quan trọng trong phát triển KT - XH thủ đô, trong giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường. Việc nghị quyết được thông qua sẽ khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo quy định quy hoạch để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa có giá trị cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

DIỆP ANH