Dự án Luật Thư viện

Phát triển trí tuệ, nhân cách, văn hóa cá nhân

- Thứ Tư, 12/06/2019, 08:25 - Chia sẻ
Thư viện thuộc cơ sở giáo dục đang phục vụ cho trên 20 triệu người là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và giảng viên. Tuy nhiên, loại hình này chưa được quan tâm đúng mức. Phải làm sao phát triển thư viện thuộc cơ sở giáo dục trở thành một bộ phận người dân tiếp cận nguồn thông tin để phục vụ hoạt động dạy học, phát triển văn hóa đọc, phát triển trí tuệ, nhân cách, văn hóa cá nhân. Đó là vấn đề mà các ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận chiều 11.6 về dự án Luật Thư viện.

Những phòng đọc vắng người, tủ sách nghèo nàn, phủ bụi…

Thư viện thuộc cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng trong lưu trữ và truyền bá thông tin, giúp cho giáo viên, học sinh, sinh viên và cả một bộ phận người dân tiếp cận nguồn thông tin để phục vụ hoạt động dạy - học, phát triển văn hóa đọc, phát triển trí tuệ, nhân cách, văn hóa cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn các thư viện này chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao. ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) dẫn chứng, thư viện trường học chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, vốn tài liệu; nơi đây phòng đọc còn vắng người và tủ sách nghèo nàn, phủ bụi. Những hạn chế này là do người đọc tìm kiếm thông tin quá dễ dàng, không cần thư viện mà đã có phương tiện tìm kiếm Google; nhiều em học sinh lựa chọn game online, mạng xã hội để giải trí; thư viện nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của người đọc.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thẳng thắn, muốn phát triển thư viện gắn với văn hóa đọc cần bắt đầu từ mô hình thư viện trường học. Chúng ta từng ấn tượng với hình ảnh của người Nhật Bản đi đâu cũng thấy người lớn, trẻ em đọc sách. Đây là kết quả từ những thay đổi lớn trong quan điểm của nước Nhật Bản về phát triển con người ngay từ thời kỳ ngồi trên ghế nhà trường. Mô hình này rất đáng để nước ta học hỏi, tiếp cận. Hiện nay thư viện trường học chiếm 56% tổng số thư viện cả nước, với 400 thư viện đại học, 26.000 thư viện trường phổ thông. Đáng buồn là loại hình thư viện này chưa mang tính đặc thù, chưa phát triển được văn hóa đọc trong thế hệ trẻ. Nhiều ĐBQH nhận định, dự án Luật đang thiếu vắng cơ chế, chính sách riêng cho thư viện trường học phát triển.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, ngay từ đối tượng phục vụ của thư viện, chúng ta chưa làm rõ sự khác biệt giữa đối tượng thư viện trường tiểu học, phổ thông và đại học. Cán bộ làm công tác thư viện chưa được chú trọng. Ở Nhật Bản, cán bộ làm công tác thư viện phải có nghiệp vụ sư phạm, bố trí giáo viên có chuyên môn làm công tác thư viện, đồng thời có thủ thư riêng. Trong bối cảnh chúng ta đang tinh giản biên chế, cũng cần có nghiên cứu bố trí việc làm trong thư viện trường học một cách phù hợp.

Rất nhiều vốn tài liệu mới, hay cũng chưa được quan tâm bổ sung trong thư viện trường học, ĐB Bùi Thị Thủy cho biết, ở các trường THPT, đặc biệt là các trường miền núi rất hiếm tài liệu tham khảo phục vụ công tác giảng dạy, nhất là tài liệu ôn thi học sinh giỏi, ôn thi THPT quốc gia dành cho học sinh thi tuyển vào các trường đại học. Những tài liệu này phải bỏ tiền đi mua mới có được, chứ chưa qua khuyến khích, vận động đóng góp. Hay rất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm giảng dạy được công nhận chưa được bổ sung vào các thư viện thuộc cơ sở giáo dục; trách nhiệm của người dạy trong việc khai thác sử dụng hiệu quả của các tài liệu này như thế nào? Bởi đây đều là sản phẩm trí tuệ được đúc rút từ thực tiễn giảng dạy và hoạt động giáo dục của các thầy cô, được kiểm chứng bằng hiệu quả học tập của học sinh? Hiện nay nguồn tài liệu vẫn chỉ nằm trong mục đề xuất, kiến nghị.

Thư viện trường học là động lực thúc đẩy cải tiến giáo dục

Cũng tại Khoản 2, Điều 5 về tên gọi thư viện thuộc cơ sở giáo dục, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, tên gọi này đang coi thư viện trường học chỉ là một bộ phận của nhà trường, chỉ thành lập sau khi cơ sở giáo dục được thành lập là chưa phù hợp. Thư viện nhà trường cần được nhìn nhận là động lực thúc đẩy cải tiến giáo dục, thông qua việc sử dụng các nguồn tài liệu hỗ trợ cho việc học tập và giảng dạy. Nên chăng, cần thay đổi tên gọi của loại hình thư viện thuộc các cơ sở giáo dục để bảo đảm trách nhiệm, nghĩa vụ của thư viện này tương xứng với vai trò của nó.

Tương tự như thư viện đại học và thư viện các cấp học cũng có sự khác nhau về quy mô, tổ chức, đối tượng phục vụ và tính chất hoạt động, nên cần sớm tách bạch thư viện thuộc các cơ sở giáo dục khác thành các loại hình cụ thể, phù hợp với đối tượng. ĐB Đặng Thị Phương Thảo đề nghị, dự thảo Luật quy định thành 3 loại hình chi tiết, thư viện trường mầm non, tiểu học nhằm hình thành sự yêu thích đọc sách cho học sinh. Thư viện trường học cơ sở cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho học sinh. Thư viện trường trung học phổ thông nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh.

Thư viện trường học đang phục vụ cho trên 20 triệu người là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và giảng viên, ĐBQH Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng, dự án Luật cần dành vị trí xứng đáng cho loại hình thư viện này, để cung cấp tri thức cho lực lượng tương lai của đất nước.

Thư viện nói chung, thư viện trường học nói riêng có ý nghĩa quan trọng, tạo môi trường, văn hóa đọc sách. Nhà bác học Edison đã nói: “Ngừng đọc sách là ngừng tư duy”. Vì vậy, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn về mô hình, điều kiện hoạt động, trách nhiệm của thư viện, trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chủ quản nhằm thúc đẩy thư viện thuộc cơ sở giáo dục phát triển; đồng thời bổ sung cơ chế mở rộng đối tượng phục vụ phù hợp với năng lực của từng thư viện.

Ý Nhi