Huyện Tân Yên, Bắc Giang

Phát triển sản phẩm trái cây chủ lực

- Thứ Năm, 24/05/2018, 08:36 - Chia sẻ
Những năm gầy đây, huyện miền núi Tân Yên (Bắc Giang) đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ yếu bao gồm: Lạc, lúa chất lượng cao, vải sớm, vú sữa, thực phẩm, thủy sản... Đồng thời, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, liên kết 4 nhà, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đặc biệt với các loại trái cây chủ lực.

Đổi thay từ cây ăn quả

 “Thời gian tới, Tân Yên tiếp tục triển khai Nghị quyết chuyên đề phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi, tập trung cải tạo nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích cây ăn quả hiện có, chú trọng hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng trang trại, gia trại, gắn với lộ trình xây dựng NTM… Đồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, giúp người dân mạnh dạn trồng giống cây ăn quả mới, như hỗ trợ giống, phân bón đối với cây nhãn muộn, bưởi Diễn, vú sữa, bưởi đào đường Tân Lạc, với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Quang Lượng

“Đến với Tân Yên mà chưa thử vú sữa Cửa Sông thì coi như chưa biết đến miền đất trù phú này”… Trước gợi ý của Phó Trưởng phòng NN - PTNT huyện Hà Văn Tuyển, chúng tôi men theo con đường đất đỏ bên bờ sông Thương, tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức), nơi bén rễ đầu tiên của loài cây này. 200 gốc vú sữa, trong đó 20 cây của gia đình được lựa chọn là giống cây đầu dòng để nhân giống, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng. Với ưu điểm là thu hoạch dài vụ nên người trồng vú sữa không bị áp lực tiêu thụ, ít phải cạnh tranh với các loại quả khác, giá cả ổn định. Đến nay, cây vú sữa đã lan rộng ra các xã lân cận, nâng diện tích vú sữa toàn huyện lên 30ha. Được hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh, năm 2017, ông Cường đã thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức với hơn 40 hộ tham gia. HTX ra đời góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương khoảng 40 triệu đồng/người/năm, thậm chí nhiều hộ đạt 100 triệu đồng/năm.

Hàng chục năm trước, xã An Dương là vùng đất hoang hóa, bởi địa hình dốc, khô cằn, khó canh tác. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, mảnh đất này đã được phủ xanh bởi nhiều loại cây trái. Ông Lê Thái Vĩnh (thôn Đồng Mai) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi 2ha vườn tạp để phát triển kinh tế trang trại. Với số vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, gia đình ông đầu tư trồng hơn 600 cây nhãn, 1.400 cây cam đường canh, gần 50 cây bưởi, ao cá với diện tích hàng nghìn mét vuông cùng hệ thống cơ giới hóa đầy đủ. Năm 2017, ông thu hoạch được hơn 5 tấn nhãn, gần 7 tấn cam đường canh và gần 2.000 quả bưởi, cùng hàng tấn cá các loại, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Dự kiến, năm 2018, mô hình trang trại của ông Vĩnh sẽ thu về gần 1 tỷ đồng.

Thấy được hiệu quả cây ăn quả mang lại, nhiều hộ dân các xã Ngọc Thiện, Cao Xá, Ngọc Vân, Cao Thượng, Lam Cốt… cũng cải tạo vườn tạp để trồng ổi lai lê, thanh long ruột đỏ, cam Vinh, táo, dứa… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Quang Lượng, dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, hầu hết chủ vườn trên địa bàn đã biết lựa chọn cây giống chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các điều kiện thâm canh bảo đảm cho sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện còn in phát 3.000 cuốn sổ tay quy trình sản xuất một số loại cây ăn quả (bưởi Diễn, nhãn, vú sữa) theo hướng VietGAP cho người dân; tổ chức trao đổi kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả giữa nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển sản xuất, cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Người dân Tân Yên đã thoát nghèo, thậm chí có hộ thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm từ những vườn quả sum suê.


Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Đức Kiên trao văn bằng bảo hộ trong nước cho 4 sản phẩm, trong đó có sản phẩm vú sữa Tân Yên 
Ảnh: Trần Tâm

Nâng cao giá trị nông sản

Việc phát triển vùng cây ăn quả đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập của người dân Tân Yên, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về phương thức canh tác hiện đại còn hạn chế, nên diện tích cây ăn quả có chất lượng cao chủ yếu vẫn sản xuất theo hướng tự phát, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, một số hộ dân do thiếu hiểu biết, mua phải những giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… khiến năng suất, chất lượng nông sản thấp.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Lượng cho biết, Tân Yên đã xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cây ăn quả. Theo đó, hỗ trợ 26 vùng trồng cây ăn quả tập trung theo Nghị quyết 48/NQ-HĐND với kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó hỗ trợ vùng nhãn tập trung 142 triệu đồng, vùng bưởi 84 triệu đồng, vùng cam 26 triệu đồng. Nhờ vậy, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn chuyển đất vườn tạp, đồi cao, đất cấy lúa một vụ sang trồng các cây ăn quả có giá trị, sản phẩm có chất lượng, từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với một số sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, huyện cũng sẽ xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn các giống cây mới...

Song song với đó, Tân Yên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm cây ăn quả chủ lực trên địa bàn như: Vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức; tổ chức trưng bày các sản phẩm quả an toàn tại lễ hội truyền thống của huyện. Đối với vú sữa, huyện đã xây dựng nhãn hiệu “Vú sữa Hợp Đức”, phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả thực hiện đề tài “Nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm quả vú sữa” để tạo điều kiện xúc tiến, quảng bá và mở rộng diện tích sản xuất trong thời gian tới.

TRẦN TÂM