Phát triển ngành tái chế chất thải

- Thứ Ba, 27/08/2019, 08:00 - Chia sẻ
Những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn luôn được quan tâm, chú trọng. Theo đó, hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn liên tục được điều chỉnh để phù hợp tình hình mới, tuy nhiên trên thực tế, do ngành công nghiệp tái chế chất thải còn lạc hậu, manh mún nên phần lớn chất thải vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

Chỉ có 10% được tái chế

Theo các chuyên gia môi trường, nếu được tận dụng, tái chế đúng cách, chất thải rắn sẽ trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất của rất nhiều ngành nghề; còn ngược lại sẽ trở thành chất độc hại cho môi trường. Thực hiện điều này, tại các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đưa ra rào cản kỹ thuật là buộc sản phẩm nhựa muốn vào những nước này phải có tỷ lệ nhựa tái chế chiếm 2% tổng lượng nguyên liệu nhựa sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó.

Trong khi đó, ở nước ta, ngành công nghiệp tái chế chất thải chưa được đầu tư đúng cách, nên chất lượng nhựa tái chế cũng chỉ để phục vụ những nhu cầu sản xuất sản phẩm thấp cấp mà không bảo đảm tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu. Chưa kể, nhựa phế liệu tuy có nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

Còn đối với chất thải công nghiệp, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày tại 2 địa phương có lượng rác thải lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Khoảng 50 - 70% lượng rác thải này chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng thực tế mới chỉ có khoảng 10% được tái chế thành nguyên liệu sản xuất để sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, nguyên nhân là do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Chưa kể, trong những năm gần đây, các hệ thống đốt rác phát điện cũng đã được triển khai thí điểm tại Việt Nam, cụ thể là từ năm 2016 TP Hồ Chí Minh đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Song, hệ thống đốt rác phát điện vẫn chỉ là mô hình thí điểm do các công nghệ này đòi hỏi phân loại rác tại nguồn, trong khi người dân chưa có thói quen đó, cũng như đơn vị thu gom chưa đủ hạ tầng cơ sở.


Một cơ sở thu gom rác thải nhựa làm nguyên liệu tái chế Nguồn: ITN

Thực hiện hiệu quả phân loại rác

Thể hiện sự quyết tâm đưa ra các mô hình, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xử lý thực trạng hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều động thái tích cực. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều doanh nghiệp, trên thực tế việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, nhưng hiện nay ngành công nghiệp tái chế chất thải còn lạc hậu, manh mún là do rào cản định kiến của lãnh đạo địa phương khi đầu tư lĩnh vực này.

Theo đó, hiện rất nhiều địa phương từ chối cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải. Số ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay do Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động với quy mô rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở tái chế chất thải lại hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Các cơ sở trên cũng chưa có thực lực tài chính đủ để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế.

Tiềm năng phát triển ngành tái chế chất thải tại Việt Nam là rất lớn, song theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường Entec Phùng Chí Sỹ, quan trọng là các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn, xác định và minh bạch quỹ đất hỗ trợ đầu tư, đơn giá xử lý đối với từng loại chất thải, đồng thời kết hợp thắt chặt công tác hậu kiểm.

“Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý” - ông Phùng Chí Sỹ cho hay.

Vân Phi