“Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt tạo cơ hội học nghề, lập nghiệp bền vững”

- Thứ Tư, 03/10/2018, 19:04 - Chia sẻ
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp và cũng là chủ đề của Hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững” do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ tổ chức ngày 3.10.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đào tạo nghề, lao động, việc làm từ trung ương đến địa phương và một số tổ chức nước ngoài.


Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được hiểu là: Mở về tư duy đào tạo nghề nghiệp; mở cho mọi người; mở về địa điểm; mở về thời gian đào tạo... Và như vậy, mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là dỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm. Vấn đề này đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia.


Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng phát biểu

Tại Việt Nam, từ năm 2006, “Giáo dục mở” đã được nêu trong văn kiện của Đảng với chủ trương chuyển dần mô hình giáo dục sang mô hình giáo dục mở. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế định hướng: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”. Đối với giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25.10.2017 chủ trương “sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Khoản 2, Điều 5 quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”.


Bà Britta van Erckelen, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo tại Việt Nam GIZ phát biểu

Như vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, cần nhận thức đầy đủ và quản lý hiệu quả về giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt; nếu không sẽ gặp những rủi ro trong việc tổ chức thực hiện...


PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham luận

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá tổng quan về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt của Việt Nam; làm rõ khái niệm, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động; gắn kết đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động; kinh nghiệm của quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam; định hướng cho việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.


Toàn cảnh hội thảo

Kết quả và khuyến nghị của Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin đầu vào để tham khảo cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt.

Thái Bình