Phát triển du lịch kiểu “ăn xổi”

- Thứ Năm, 01/08/2019, 08:05 - Chia sẻ
Nhìn nhận về những vi phạm liên tiếp trong lĩnh vực du lịch thời gian qua, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch PHẠM TRUNG LƯƠNG cho rằng “đó là hệ quả tích lũy trong một thời gian khá dài”. Nguyên nhân bởi “chúng ta mới chỉ nhìn được lợi ích trong ngắn hạn mà chưa nhìn thấy được lợi ích về lâu về dài, mang tính bền vững. Nói cách khác, cách phát triển du lịch của chúng ta hiện nay vẫn trên tư duy “ăn xổi”, chạy theo thành tích”.

Cảnh báo nhiều mà không ai nghe 

- Một loạt vi phạm liên quan đến du lịch được phát hiện thời gian qua, từ sự bùng phát những tour du lịch 0 đồng đến việc quản lý sử dụng đất đai, thủ tục pháp lý hoạt động… Từng làm quản lý và nghiên cứu về du lịch, ông có bất ngờ về điều này không?

- Thú thực là tôi không bất ngờ, bởi trong lĩnh vực nào cũng có vi phạm. Có điều, riêng lĩnh vực du lịch, lâu nay dường như chúng ta mải mê trong men say chiến thắng với những số liệu về tăng trưởng lượng khách, tăng trưởng nguồn thu quá mà quên đi hoặc bỏ qua những vấn đề đang đặt ra và được những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi chỉ ra từ trước đó khá lâu. Nói cách khác, đó là hệ quả tích lũy trong một thời gian khá dài mà bây giờ chúng ta mới đề cập đến.

- Theo ông, vì sao bây giờ chúng ta mới đề cập đến?

- Là bởi bây giờ đụng đâu cũng thấy có vấn đề. Rất tiếc, chúng tôi đã cảnh báo nhiều mà không ai nghe. Ví như câu chuyện quá đông khách tại một điểm đến, nhiều địa phương còn biện luận rằng điều đó giúp tạo thêm công ăn việc làm, lấp đầy phòng khách sạn… Điều này đúng, nhưng đổi lại, chúng ta phải trả giá cho áp lực về hạ tầng, ví dụ kẹt xe hay thiếu nước sinh hoạt do lượng khách đổ về quá đông, rồi những mất mát về văn hóa… thì không ai đo đếm cả. Nếu tính đầy đủ hiệu quả, chi phí, có khi anh thu về 10 đồng nhưng phải trả giá hơn 10 đồng cho môi trường, văn hóa. Anh mới chỉ nhìn thấy 10 đồng thu được chứ không nhìn sau 10 đồng đó là cái gì. Đáng ra, làm du lịch phải tính bài toán kinh tế trên mọi mặt, đằng này người ta còn mải chạy theo mục tiêu tăng trưởng mỗi năm bằng này lượng khách, bằng này doanh thu, năm sau phải luôn cao hơn năm trước.

- Nhưng du lịch cũng là ngành kinh tế, mà đã là kinh tế thì phải tính đến lợi nhuận, tức phải có tăng trưởng chứ?

 - Tôi không phủ nhận. Nhưng chúng ta mới chỉ nhìn được lợi ích trong ngắn hạn mà chưa nhìn thấy được lợi ích về lâu về dài, mang tính bền vững. Nói cách khác, cách phát triển du lịch của chúng ta hiện nay vẫn trên tư duy “ăn xổi”, chạy theo thành tích.

Nhà quản lý vào Hội đồng tư vấn để làm gì?

- Thử lý giải nguyên nhân, theo ông là do đâu?

- Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là bệnh thành tích. Thứ hai là do nhận thức không đầy đủ, bởi vì trong phát triển du lịch, bên cạnh bài toán kinh tế thì phải tính toán được bài toán xã hội, những mất mát về văn hóa vốn dĩ không thể tính được bằng tiền! Tư duy làm du lịch của chúng ta rất có vấn đề và nó mang tính hệ thống chứ không phải riêng lẻ.

- Nhưng chúng ta có hẳn một Hội đồng Tư vấn du lịch đấy, thưa ông?

- Việc thành lập Hội đồng này là điều rất đáng mừng. Nhưng theo tôi, đã là hội đồng tư vấn thì nên là những chuyên gia, nhà khoa học - những người rất khách quan chứ không phải bao gồm cả người làm quản lý. Số lượng người làm quản lý vào hội đồng chỉ nên ít thôi, đặc biệt “Tư lệnh ngành” không nên vào đó vì vào để làm gì? Chúng tôi đã kiến nghị điều này rồi nhưng rất tiếc không ai nghe.

Muốn là mũi nhọn phải đổi mới tư duy

- Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy theo ông, đâu là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu này?

- Muốn đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi tư duy phải rất khác để không chỉ mang lại công ăn việc làm mà còn phải mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa, tức là phải hướng đến phát triển bền vững. Nếu chúng ta làm như hiện nay sẽ sớm “tự kết liễu mình” thôi! Bởi đi du lịch là để trải nghiệm, hưởng thụ chứ không phải đi du lịch để phải vật lộn vì sự quá tải.

Tư duy khác không phải cái gì cao siêu, đôi khi chỉ cần đổi mới một chút, có quyết tâm làm. Chẳng hạn, nhìn từ bài học kinh nghiệm của Thái Lan hay Philippines dám đóng cửa điểm du lịch nổi tiếng đem lại doanh thu hàng tỷ USD/năm để sắp xếp lại, để hệ sinh thái được phục hồi do quá tải, chúng ta có dám làm không? Thêm nữa, chế tài xử phạt cũng phải nâng lên nữa, xử phạt thật mạnh để thực sự mang tính răn đe thì người ta mới không dám tái phạm.

- Đầu tư vào bất kể lĩnh vực nào, trong đó có du lịch, doanh nghiệp sẽ chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận. Theo ông, cách nào để chọn được nhà đầu tư sẽ hướng du lịch đến phát triển du lịch bền vững?

- Đúng là nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nếu người làm quản lý có lợi ích trong đó sẽ dễ dàng thỏa hiệp với doanh nghiệp. Do vậy, tôi cho rằng, quan trọng nhất là người làm quản lý phải có tâm và có tầm. Khi đó, họ sẽ huy động được đội ngũ chuyên gia tốt, thực sự cầu thị thì mới mong phát triển du lịch bền vững. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ có được những người giỏi nói thôi!

- Xin cảm ơn ông!

 Một số vi phạm trong lĩnh vực du lịch thời gian qua

Tháng 4.2019, Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Golux. Trước đó, các nạn nhân tố cáo công ty có hành vi lừa đảo, nhận tiền của khách hàng mua tour nhưng không tổ chức tour như cam kết, sau đó chiếm đoạt tiền của khách ước tính lên đến 4,6 tỷ đồng. Tính chung, trong quý I.2019, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với tổng số tiền 71 triệu đồng.

Trước đó, tháng 3.2019, UBND TP Thái Nguyên đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Thái Việt xây dựng Khu du lịch sinh thái Yasmin Farm trái phép 40 triệu đồng. Công ty cũng bị Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên xử phạt hành chính 435,7 triệu đồng đối với những vi phạm liên quan khu du lịch sinh thái này.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản 3347/UBND-VX2 “về việc xử lý kết luận kiểm tra về tình hình đầu tư, xây dựng và khai thác kinh doanh tại Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm”. Theo kết quả kiểm tra, rà soát, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh phát hiện hàng chục hạng mục công trình thuộc mười dự án, tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt để xảy ra vi phạm về đầu tư; xây dựng; sử dụng đất, mặt nước; quản lý, bảo vệ rừng và khai thác kinh doanh.

Vũ Thủy thực hiện