Phát triển đồng bộ dịch vụ hậu cần nghề cá

- Thứ Năm, 03/10/2019, 07:42 - Chia sẻ
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg, cả nước có 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có Trung tâm Nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa. Với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của chính quyền các cấp với ngành thủy sản, ngoài những chính sách ưu tiên cho ngư dân bám biển, Đà Nẵng cũng áp dụng nhiều hỗ trợ cho lĩnh vực hạ tầng hậu cần nghề cá vươn tới thị trường quốc tế.

Đồng bộ hạ tầng

Từ năm 2017, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã kêu gọi đầu dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Dự án được chia thành 7 tiểu dự án gồm: nâng cấp cảng cá Thọ Quang hiện hữu với tổng mức kinh phí 350 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng cảng cá tổng hợp với tổng kinh phí 200 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng khu trú bão âu thuyền Thọ Quang với tổng kinh phí 80 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang về phía bắc với kinh phí 100 tỷ đồng; xây dựng cảng cá quốc tế (tại khu mặt nước phía bắc cầu Mân Quang) với kinh phí 600 tỷ đồng; cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Mân Quang để bảo đảm cho tàu cá có công suất 2.000CV ra vào thuận với kinh phí 400 tỷ đồng.

Trong quá trình phát triển, ngành thủy sản Đà Nẵng luôn chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển nghề khai thác xa bờ và chế biến thủy sản.

Cùng với Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã tạo thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, hợp lý…

Tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có 10 xưởng nước đá lạnh công suất 20.000 cây/ngày, 4 trạm xăng dầu, 26 tàu cung ứng dầu, 10 xưởng sửa chữa và đóng tàu thuyền, 4 cửa hàng buôn bán và sửa chữa thiết bị hàng hải, 10 quầy buôn bán kim khí và ngư lưới cụ, 14 kho bảo quản lạnh… Trung bình mỗi ngày có 3.000 - 5.000 lượt người, 50 - 55 lượt tàu thuyền, 350 lượt ô tô và trên 1.000 lượt xe máy hoạt động với sản lượng hải sản qua cảng hơn 300 tấn/ngày, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại chỗ. Số lượng tàu thuyền không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nước cập bến tăng cao qua các năm.

Tới đây, thành phố tiếp tục đầu tư, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực duyên hải miền Trung.


Một dây chuyền chế biến thủy sản trong công ty TNHH Hải Thanh ở khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang,phường Thọ Quang, quận Sơn Trà
Nguồn: ITN

Định hướng xuất khẩu

Đối với Đà Nẵng, công nghiệp chế biến thủy sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Tính đến hết tháng 6.2019, chế biến thủy sản Đà Nẵng đã giảm 2,9% do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ.

Thủy sản đông lạnh là nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố với khoảng 20 doanh nghiệp, tổng công suất thiết kế đạt gần 35.000 tấn/năm, sản lượng bình quân 22.000 tấn (bằng 63% công suất). Nhiều cơ sở đã đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Hiện nay, có 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với công suất chế biến 60.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 đạt 220 triệu USD.

Trong số các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu hiện có 2 đơn vị quy mô lớn là Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Top 20 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (thành viên VNR500). Cùng với đó, thủy sản chế biến khác bao gồm các sản phẩm đóng hộp, khô, sấy, hấp, hun khói, tẩm gia vị, xay nhỏ, làm chả… với sản lượng bình quân khoảng 2.800 tấn/năm, tương đương 53,8% tổng công suất thiết kế.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến, Đà Nẵng chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình thủy sản giá trị kinh tế cao cá leo, cá chẻm, cá diếc thương phẩm, cua gạch… và nâng cao năng lực sản xuất giống tại Trại giống Hòa Khương.  Với mục tiêu nâng tổng sản lượng thuỷ sản lên 38.450 tấn, trong đó khai thác hải sản 37.500 tấn, nuôi trồng thủy sản 950 tấn đây sẽ là nguồn nguyên liệu chủ yếu góp phần thúc đẩy ngành chế biến phát triển, mục tiêu ổn định nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

Mạnh Thắng