Diễn đàn Hà Nội 2018:

Phát triển bền vững và an toàn

- Thứ Tư, 07/11/2018, 20:49 - Chia sẻ
Việt Nam thuộc top 10 nước có thể bị tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng được đánh giá là quốc gia tiên phong trong ứng phó với thách thức này. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc huy động các nhà khoa học hàng đầu, tổ chức quốc tế, nhà hoạch định chính sách đóng góp cho Diễn đàn Hà Nội 2018 là một cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững, an toàn.

“Độc đáo, hữu ích, đúng thời điểm, đúng không gian”

Ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… được nhắc tới nhiều khi thách thức môi trường ngày càng gay gắt. Lần đầu tiên tại Việt Nam (cũng như ở châu Á), Diễn đàn Hà Nội 2018 được tổ chức nhằm bàn thảo về vấn đề này một cách toàn diện, thấu đáo. Diễn đàn dưới sự chủ trì của ĐHQG Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong 3 ngày, từ 8 - 10.11, khoảng 500 đại biểu là những hạt nhân đưa ra cái nhìn cụ thể và tổng thể về thực trạng, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại họp báo chiều 7.11, đại diện Ban tổ chức cho biết, Diễn đàn Hà Nội 2018 lựa chọn “Ứng phó với Biến đổi khí hậu” - nội dung thứ 13 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững làm trọng tâm thảo luận. Với tên gọi “Hướng đến Phát triển bền vững - Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh”, các chuỗi chủ đề khuyến khích nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. PGS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐ Cố vấn của Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu nhận định, Diễn đàn hội tụ 4 giá trị: Độc đáo, hữu ích, đúng thời điểm, đúng không gian.


Theo thông tin tại họp báo chiều 7.11, Diễn đàn Hà Nội 2018 lựa chọn một trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững làm trọng tâm thảo luận -(Ảnh: Thái Minh)

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụn lún... xảy ra ở nhiều nơi. Thông qua hàng loạt Kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU..., Việt Nam từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước vấn đề mang tính toàn cầu. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một mục tiêu như thế.

Diễn đàn Hà Nội 2018 có sự tham gia không chỉ các nhà khoa học hàng đầu mà còn có nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế lớn, không chỉ các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà còn các nhà nghiên cứu trẻ… tạo nên tính toàn diện cho vấn đề được đưa ra. Những giải pháp tổng hợp áp dụng trình diễn cho hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng sẽ là minh chứng cho các thách thức và kinh nghiệm đối mặt. Đặc biệt, hướng đến bảo đảm bền vững và an ninh theo như Diễn đàn đề cập còn là hài hòa về sử dụng nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nguồn lực đó đến từ tài chính, thể chế, chính sách và đặc biệt là nguồn nhân lực.

Nguồn lực con người

Diễn đàn Hà Nội 2018 có sự tham gia của các lãnh đạo/cựu lãnh đạo các quốc gia, tập đoàn và tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia… Sự trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với 5 mục tiêu cốt lõi. Thứ nhất, xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu. Thứ hai, hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với biến đổi khí hậu. Thứ ba, đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải các-bon thấp và thích ứng tốt tỏng bối cảnh biến đổi khí hậu. Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu. Thứ năm, tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế và khu vực. 5 trụ cột này cùng sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan nhằm rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững.


Những giải pháp tổng hợp áp dụng cho hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được trình diễn tại Diễn đàn

Bên cạnh phiên toàn thể, Diễn đàn gồm 5 tiểu ban chuyên môn cùng hai phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, Việt Nam có cơ hội soi chiếu mình và đối sánh quốc tế trong việc giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, thực hiện chương trình hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Đồng thời, cung cấp cơ sở cho báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu 2018 (COP24) diễn ra tại Ba Lan đầu tháng 12 tới.

Chưa thể sánh ngang một số nước về nghiên cứu khoa học cũng như công nghệ nhưng Việt Nam cũng có những hiến kế đóng góp cho thế giới. Diễn đàn lần này sẽ trình diễn những đúc kết, nghiên cứu về việc chung sống khôn ngoan với bão của người dân miền Trung, với lũ và hạn mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long. Cần nhiều nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững trước thách thức biến đổi khí hậu, nhưng giải pháp quan trọng nhất đến từ con người. Các giải pháp không áp dụng chung cho tất cả quốc gia mà mỗi đất nước có thứ tự ưu tiên khác nhau. Đối với Việt Nam, lựa chọn giải pháp phù hợp nhất là nguồn nhân lực, từ chuyên gia, nhà khoa học đến cộng đồng, nói cách khác là sức sáng tạo thích ứng của người Việt Nam. Bên cạnh đó, giải pháp mang tính nền tảng bao trùm là thể chế chính sách, chỉ khi có thể chế chính sách đúng đắn mới thúc đẩy mạnh hiện thực hóa các mục tiêu.

Không dễ tạo nên những thay đổi mang tính đột phá nhưng nhiều người kỳ vọng Diễn đàn Hà Nội 2018 sẽ đặt nền móng căn bản cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo PGS. TS Mai Trọng Nhuận, điểm yếu của Việt Nam hiện nay là sự phối hợp ngang giữa các bộ, ban, ngành trong hệ thống chưa tốt, một loạt chiến lược đang chồng chéo, gây phân tán nguồn lực xã hội. Diễn đàn này tập hợp sức mạnh của các bên liên quan sẽ là một bước hướng tới giá trị cốt lõi. Giá trị ấy không phải là sự đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế hay ngược lại mà là hiện thực hóa ở chiều cạnh vừa bảo đảm môi trường khí hậu, vừa bảo đảm phát triển sinh kế.

Thái Minh