Thế giới chống đại dịch Covid-19

Phạt nặng hành vi vô ý thức

- Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:34 - Chia sẻ
Trong khi cả thế giới đang phải nỗ lực hết sức để chống sự lây lan nguy hiểm của Covid-19 và những tác động tiêu cực của nó đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, thì rất nhiều cá nhân đã cản trở quyết tâm này. Vì vậy, nhiều quốc gia buộc phải đưa ra quy định xử phạt những hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng vì sự thiếu hiểu biết và vô ý thức.

Australia đã lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về an toàn sinh học quốc gia hôm 18.3 theo Luật An toàn sinh học năm 2015. Theo quyết định mới này, Chính phủ đất nước chuột túi sẽ được trao thêm nhiều quyền hạn, bao gồm sử dụng các lực lượng và huy động các nguồn lực cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, chính quyền có thể tiến hành phong tỏa các khu vực địa lý, sơ tán các khu dân cư, áp dụng kiểm soát an toàn sinh học bắt buộc, truy tố các hành vi vi phạm và hạn chế tụ tập đông người. Các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị phạt tù lên đến 5 năm. Trước mắt, tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong 3 tháng, sau đó có thể được gia hạn căn cứ vào tình hình dịch bệnh. Cách đây 3 hôm, chính quyền đã nâng mức phạt đối với người trốn cách ly để cảnh báo những ai muốn “đùa” với vấn đề y tế khẩn cấp cộng đồng. Mức phạt khác nhau tùy theo từng bang, nhưng mức cao nhất lên đến 50.000 AUD (khoảng 28.600 USD).

Tại Malaysia, nước đang có số ca mắc Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, những ai không chấp hành các chỉ thị liên quan đến Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) của Chính phủ sẽ bị phạt 1.000 ringgit (khoảng 240 USD) hoặc bị bỏ tù đến 6 tháng hoặc cả hai hình phạt này. Thậm chí, nếu một cơ quan hay công ty phạm luật, cả giám đốc, quản lý, thư ký hoặc bất kỳ ai có chức vụ như vậy có thể bị buộc tội cùng nhau hoặc riêng rẽ. Theo MCO, người nước ngoài hiện không được phép nhập cảnh Malaysia, trong khi người dân Malaysia không được phép ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các hoạt động tập trung đông người, bao gồm cả hoạt động tôn giáo, cũng buộc phải tạm dừng. Các cơ quan công sở, ngoại trừ các lĩnh vực thiết yếu như y tế, điện nước, cung ứng thực phẩm, đều tạm thời đóng cửa. Những ai muốn đi từ bang này sang bang khác phải được sự cho phép của cảnh sát.

Còn Cơ quan Kiểm soát vấn đề nhập cư Singapore (ICA) từng thông báo tước thẻ cư trú dài hạn, đồng thời cấm nhập cảnh đối với người không thực hiện lệnh cách ly tại nhà. Thực tế tháng trước, ICA đã tước thẻ cư trú dài hạn đồng thời cấm nhập cảnh đối với một người đàn ông 45 tuổi do không thực hiện lệnh cách ly tại nhà. Theo luật, người vi phạm yêu cầu cách ly có thể bị phạt tới 10.000 đô la Singapore (6.900 USD) hoặc 6 tháng tù.

Trong khi đó, Hàn Quốc vừa công bố các biện pháp xử phạt mạnh tay hơn đối với người nước ngoài sinh sống ở nước này nhưng không thực hiện các hướng dẫn về sức khỏe mặc dù bị nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bộ Tư pháp cho biết, từ ngày 19.3, Hàn Quốc sẽ hủy thị thực hoặc giấy phép lưu trú của những người nước ngoài bị nghi ngờ hoặc đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng không tuân theo các yêu cầu thực hiện cách ly, xét nghiệm và điều trị. Các biện pháp trục xuất hoặc cấm nhập cảnh cũng sẽ được xem xét tùy từng trường hợp. Tháng trước, đất nước kim chi cũng đã thông qua luật chống bùng phát dịch truyền nhiễm, theo đó những người cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.200 USD).

Đài Loan (Trung Quốc) phạt những người trốn cách ly với số tiền tối đa 1 triệu Đài tệ (khoảng 33.000 USD), nhưng hình phạt sẽ nặng hơn nếu họ tìm đến những nơi đông người và di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Lúc đó, người vi phạm sẽ bị khởi tố, đối mặt với mức phạt tiền 2 triệu Đài tệ và 2 năm tù giam. Ngoài ra, những ai tích trữ các loại trang bị phòng dịch như khẩu trang cũng sẽ phải đối mặt với mức phạt tù tối đa 5 năm hoặc mức phạt tiền lên tới 5 triệu Đài tệ. Chưa hết, những kẻ phát tán thông tin giả về dịch Covid-19 phải đối mặt với bản án 3 năm tù giam và mức phạt tiền tối đa là 3 triệu Đài tệ.

Ảrập Xêút cũng mới đưa ra mức phạt 133.000 USD đối với bất cứ khách nhập cảnh nào không khai báo trung thực thông tin sức khỏe. Trong khi đó, Israel có thể phạt người cố ý vi phạm lệnh cách ly tới 7 năm tù, người vô ý tối đa 3 năm tù.

Còn tại châu Âu, tâm dịch hiện tại của Covid-19, các nước cũng khẩn trương có hình thức răn đe đối với những hành vi làm lây lan dịch. Ở Pháp, sau khi chính thức kích hoạt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 15 ngày thì ngay hôm sau cảnh sát nước này đã phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm lệnh yêu cầu ở nhà. Ban đầu mức phạt là 35 euro (38,1 USD) nhưng sau đó đã được nâng lên 135 euro và có khả năng lên tới 375 euro.

Ở Cộng hòa Czech, theo quy định, công dân sống tại nước này phải khai báo y tế, tự cách ly trong vòng 2 tuần nếu trở về từ vùng dịch. Thông cáo của Bộ Y tế cho biết, những người trong diện cách ly sẽ được nghỉ làm và được trả lương, hoặc có thể được phép làm việc từ xa. Nếu ai vi phạm có thể bị phạt tới 3 triệu koruna (gần 130.000 USD).

Còn ở Phần Lan, theo Luật Y tế cộng đồng và Luật Hình sự, những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh truyền nhiễm được coi là nguy hiểm với cộng đồng mà không tuân thủ các quy định cách ly sẽ bị phạt tiền và phạt tù tới 3 tháng. Nước láng giềng Na Uy phạt các hành vi vi phạm lệnh cách ly lên tới 2.000 USD hoặc ngồi tù 15 ngày. Ngoài ra, cá nhân nào bị phát hiện tổ chức các sự kiện lớn cũng sẽ bị phạt.

Tại Italy, những trường hợp vi phạm các quy tắc kiểm dịch Covid-19 có thể bị phạt 206 euro, thậm chí bị bỏ tù gần 3 tháng. Từ hôm 10.3, đất nước hình chiếc ủng là quốc gia đầu tiên trên thế giới phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2. Đi kèm với đó là việc ban hành các quy tắc kiểm dịch mới và lệnh cấm tụ tập đông người, từ các sự kiện văn hóa, thể thao đến đám tang, đám cưới, nghi lễ dân sự hay hoạt động tôn giáo…

Tây Ban Nha, quốc gia nhiễm SARS-CoV-2 cao thứ hai châu Âu, cũng đã phải áp dụng những biện pháp cách ly nghiêm ngặt và phỏng tỏa cả nước khi xứ sở bò tót tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Hiện nay, mức phạt đối với những cá nhân vi phạm dao động từ 658 - 33.000 USD hoặc 4 năm tù giam. Tính đến nay, giới chức Tây Ban Nha đã bắt giữ ít nhất 73 người và phạt khoảng 3.270 vụ. 

Linh Anh tổng hợp