Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Phát huy vai trò nòng cốt của hội nông dân

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 07:55 - Chia sẻ
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng đến chủ thể là người nông dân. Do đó, hội nông dân cũng được xem như lực lượng nòng cốt. Với nhiều hoạt động nổi bật như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, hay nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp hội nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, giải quyết bài toán về tổ chức sản xuất.

Xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Mê Linh đã thu hút đông đảo hội viên nông dân vào hội, đến nay xấp xỉ 30.000 hội viên. Hội luôn xác định đây là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM và trực tiếp là đối tượng được thụ hưởng trong việc triển khai Chương trình 02 của Thành ủy. Theo đó, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp Hội tham gia thực hiện, đảm nhận các phần việc, tiêu chí NTM cụ thể phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội. Đó là tiêu chí 9 - Nhà ở dân cư, 10 - Thu nhập, 11 - Hộ nghèo, 13 - Tổ chức sản xuất, 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm, 18 -  Hệ thống chính trị, 19 - Quốc phòng an ninh. Trong đó, tập trung chủ yếu vào tiêu chí số 10 và 13 với các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.


Mô hình trồng hoa ở thôn Bãi Tháp, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng cho hiệu quả kinh tế cao
Ảnh: Tường Vy

 Đánh giá về vai trò của các cấp hội nông dân trong xây dựng NTM, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định: “Những năm qua, các phong trào, hoạt động của nông dân Hà Nội đã giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí khó trong xây dựng NTM như tiêu chí thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ sở hạ tầng... Nhờ đó, đến nay toàn thành phố đã có 6 huyện đạt chuẩn NTM, 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn NTM”.

Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đã thành lập và duy trì phát triển các mô hình kinh tế tập thể, trang trại VAC, hoạt động có hiệu quả với doanh thu đạt từ 300 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình trồng ổi lê trên diện tích 10ha của gia đình ông Nguyễn Thế Lâm thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm; mô hình trang trại chăn nuôi gà và lợn của gia đình ông Đỗ Văn Cường thu lãi mỗi năm trên 500 triệu đồng… Từ các mô hình này góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Mô hình trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, ổi, táo ở xã Tráng Việt, Tiến Thịnh… vùng sản xuất rau an toàn xã Tiến Thắng, Tráng Việt, vùng phát triển thủy sản xã Tiến Thắng, Tự lập, Vùng chăn nuôi tập trung xã Chu Phan, Tự lập, Tam Đồng… đang được nông dân một số địa phương nhân rộng.

Không riêng Mê Linh, Hội Nông dân huyện Thường Tín cũng đã tích cực đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoàng Văn Nhiên chia sẻ, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng 64 mô hình kinh tế hộ, 23 mô hình kinh tế tập thể, 23 câu lạc bộ kinh tế mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân còn vận động hội viên, nông dân tham gia vào các HTX, THT sản xuất theo gia trại, trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… để tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nông dân về vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình.

Còn ở huyện Chương Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Đăng Hùng cho biết, từ một vài hộ trồng lúa hữu cơ nhỏ lẻ trong xã, Hội Nông dân huyện đã đứng ra vận động nông dân liên kết thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú để mở rộng mô hình, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ vụ xuân năm 2019, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú và Công ty Green Path ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ trên diện tích 3ha, vụ mùa tăng lên 45ha trồng theo quy trình của Mỹ. Ngoài cây lúa, vụ đông 2019 còn triển khai mô hình trồng luân canh đậu tương đen, khoai tây hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho nông dân.

Đánh giá về hoạt động của Hội Nông dân các cấp, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, những năm qua, các cấp hội đã triển khai sâu rộng nhiều hoạt động, phong trào nhằm phát triển kinh tế địa phương, xây dựng quê hương giàu đẹp, đóng góp vào thành công của chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, trong 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng được 1.523 mô hình kinh tế tập thể, 783 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế; hỗ trợ nông dân xây dựng hơn 1.400 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GPS... Từ những mô hình này, đời sống nông dân, bộ mặt kinh tế nông thôn đã có những bước chuyển biến tích cực.

Hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí NTM

Cùng với thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đã đồng hành với chính quyền địa phương trong việc xây dựng đường làng ngõ xóm, tạo diện mạo mới cho nông thôn Hà Nội. Không chỉ tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giám sát việc thực hiện quy hoạch tại địa phương, cán bộ, hội viên nông dân Hà Nội còn gắn việc phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. Hằng năm, Hội Nông dân chỉ đạo 100% cơ sở xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, các chi hội tham gia đảm nhận những đoạn đường tự quản... mang lại hiệu quả thực tế rõ nét.

Minh chứng cho điều đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng cho biết, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện đã vận động xây dựng được 58 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và 4,1km đoạn đường nở hoa. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cũng chia sẻ, trong những năm qua, bên cạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế, các cấp hội đã triển khai tích cực cuộc vận động xây dựng NTM, đô thị văn minh. Hội đã tuyên truyền, vận động 206 hội viên hiến 2.350m2 đất thổ cư để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Hội viên nông dân các cấp hăng hái tham gia phong trào gìn giữ vệ sinh môi trường, làm đẹp xóm làng. Nhờ đó, diện mạo NTM ở Đan Phượng càng thêm văn minh, hiện đại hơn.

Được biết, từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp hơn 3,5 triệu ngày công lao động, đào đắp gần 700 nghìn mét khối kênh mương nội đồng, sửa chữa 1.015km đường giao thông nội đồng và đường liên thôn, làm mới và sửa chữa 638 cầu, cống, đóng góp gần 7.000 tỷ đồng, hiến trên 415 nghìn mét khối đất xây dựng NTM.

Để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong xây dựng NTM, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, thi đua phấn đấu xây dựng các xã và huyện đạt chuẩn NTM theo quy định của Trung ương và thành phố. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu nông sản thực phẩm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, để nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao trong giai đoạn mới.

ĐÀO CẢNH