Phát huy trí tuệ, bản lĩnh của đại biểu dân cử

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:50 - Chia sẻ
Như đã thành thông lệ, mỗi dịp tháng 8 về, các đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố lại tề tựu tại trung tâm Hội nghị tỉnh để lắng nghe các báo cáo viên giàu kinh nghiệm đến từ Trung tâm Bồi dưỡng dân cử của Ban Công tác đại biểu trao đổi những kiến thức thiết thực, bổ ích. Qua 4 chuyên đề tập huấn lần này, các đại biểu có thể sử dụng như cuốn cẩm nang nhỏ, góp phần thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình, cũng như phát huy bản lĩnh, trí tuệ những người đại biểu của dân.

Cơ sở ban hành quyết sách sát thực

Để đại biểu dân cử hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ, việc bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng và cũng là giải pháp cơ bản góp phần khẳng định vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Qua hội nghị này, tôi mong các đại biểu HĐND hai cấp tỉnh Hưng Yên sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để phát huy được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Đặng Minh Ngọc

Mở đầu chuyên đề Trách nhiệm của HĐND trong ban hành biện pháp bảo vệ môi trường và thực hiện giám sát về bảo vệ môi trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết đã đưa ra hàng loạt hình ảnh môi trường bị bức tử, trong đó có hình ảnh Công ty Vedan đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã lén lút xả nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải bị phát hiện vào tháng 9. 2008 khiến dư luận vô cùng bức xúc. Từ những hình ảnh trực quan sinh động đó, Báo cáo viên đã đặt ra các câu hỏi về việc có hay không sự đánh đổi giữa môi trường sống với lợi ích kinh tế; vai trò giám sát của HĐND và vai trò của các đại biểu dân cử trong phát hiện vấn đề… để các học viên thảo luận.

Làm thế nào để vùng đất Nhãn có thể thực hiện nghiêm túc thông điệp quyết liệt của người đứng Chính phủ, “không đánh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” trước những áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi tìm lời giải cho bài toán khó này, Báo cáo viên đã giúp các học viên hiểu rõ bức tranh toàn cảnh về môi trường, về mối quan hệ biện chứng giữa môi trường và con người; về những “nguyên tắc” trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, những hành vi nghiêm cấm và đưa ra được những việc làm cụ thể đối với hoạt động bảo vệ môi trường.


Hội nghị tập huấn thu hút sự tham gia đông đủ của các đại biểu HĐND hai cấp
Ảnh: Nguyễn Ánh

Đặc biệt, đối với hoạt động giám sát của HĐND về môi trường, Báo cáo viên cho rằng đại biểu cần trả lời được những câu hỏi: Công tác quản lý nhà nước thế nào; trách nhiệm đối với các khuyết điểm thuộc về ai; các tổ chức và cá nhân tuân thủ pháp luật như thế nào, gặp những khó khăn gì cần được tháo gỡ?; làm thế nào để đánh giá tổng quát về thực trạng môi trường, làm căn cứ quan trọng để HĐND có thể ban hành các nghị quyết “đúng, trúng”, nhằm thực hiện hiệu quả các giải giáp về bảo vệ môi trường…

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, các vấn đề liên quan đến đất đai, trong chuyên đề HĐND với việc ban hành các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đất đai tại địa phương, nguyên Tổng cục Quản lý đất đai của Bộ TN - MT Vũ Ngọc Kích đã giúp các đại biểu nắm cụ thể những quy định chủ yếu trong Quản lý nhà nước về đất đai tại Mục 2 Chương II và các Chương từ III đến IX của Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, các đại biểu nắm bắt, cập nhật được các nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm các hoạt động như: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính. Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Việc quyết định và giám sát về đất đai của HĐND ở các địa phương có vai trò quan trọng bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho UBND các cấp quản lý, sử dụng đất đai được tốt hơn. HĐND tỉnh Hưng Yên cần tăng cường hoạt động giám sát, thẩm tra, đưa ra các quyết định chính xác liên quan đến đất đai, vừa bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, vừa hợp lòng dân”, Báo cáo viên nhấn mạnh.

Tăng cường giám sát các vấn đề nhạy cảm

Bằng những ví dụ cụ thể, trong chuyên đề Thẩm quyền và trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc giải quyết các phát sinh giữa các kỳ họp sau khi có Nghị quyết số 629 của UBTVQH, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, TS. Nguyễn Hải Long đã giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của đại biểu về nội dung Thường trực HĐND có được quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp như trước đây hay không, nếu có thì cụ thể là vấn đề gì. Trên cơ sở luật định, Báo cáo viên cô đọng 2 nguyên tắc đại biểu cần lưu ý đó là: Nhiệm vụ nào mà Luật quy định rõ ràng, cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐND thì không thể giao cho Thường trực HĐND quyết định thay thế, kể trả trường hợp cấp bách giữa hai kỳ họp. Nếu xét thấy cần phải quyết định thì tổ chức phiên họp bất thường của HĐND. Thường trực HĐND được quyết định những vấn đề mà Luật giao; những vấn đề các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật giao (nghị định, thông tư) nếu những vấn đề đó không trái luật…

Tại hội nghị, nội dung thu hút được sự bàn luận sôi nổi của các học viên đó chính là những giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đối với Hưng Yên, có thể thấy rất rõ nỗ lực của chính quyền tỉnh trong cải thiện chỉ số PCI trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận PCI chưa được quan tâm đúng mức, nhất là trong hoạt động của HĐND. Việc sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động giám sát, chất vấn, ban hành nghị quyết của HĐND còn khó khăn, nguyên nhân một phần do sự hiểu biết về PCI của các đại biểu còn hạn chế… Thông qua chuyên đề Tăng cường vai trò của HĐND trong cải thiện, nâng cao PCI, Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI, thuộc VCCI Đậu Anh Tuấn đã giúp các học viên nhận thức rõ hơn về vai trò của người đại biểu dân cử với PCI, cách tiếp cận PCI; đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh Hưng Yên từ kết quả PCI và những kinh nghiệm của các tỉnh, thành trong việc nâng cao từng chỉ số thành phần.

Theo báo cáo viên, điều quan trọng nhất của PCI là tạo ra động lực và áp lực các địa phương phải cải cách, tự nâng cao chất lượng điều hành của mình chứ không phải là cuộc “chạy đua” thứ hạng nhằm lấy thành tích. Để cải thiện chỉ số PCI của Hưng Yên, HĐND tỉnh cần tăng cường nghiên cứu, rà soát, ban hành và ban hành thay thế các văn bản, quyết định gây khó khăn, bất cập cho hoạt động của doanh nghiệp; nhất là các văn bản, quy định liên quan đến thủ tục đất đai, chấp thuận chủ trương đầu tư, vấn đề phân cấp ủy quyền trong đầu tư. Đưa các nội dung liên quan đến PCI vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu HĐND cần nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng các chỉ số thành phần PCI trong hoạt động thẩm tra, thảo luận, chất vấn, giải trình và giám sát. Tăng cường rà soát những chỉ số thành phần “nhạy cảm” điểm thấp để xác định nguyên nhân; kiến nghị, đề xuất các giải pháp điều chỉnh hiệu quả…

NGUYỄN ÁNH