Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Phát huy sức mạnh tổng hợp

- Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:23 - Chia sẻ
Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia. Tại Phiên họp thứ 43 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Do đó, cần làm rõ phương thức phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Cụ thể hóa quy định về nền quốc phòng toàn dân

Trong Luật Biên giới quốc gia hiện hành đã quy định mang tính nguyên tắc về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Tuy nhiên, các quy định này hiện mới khái quát trách nhiệm của Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng chiến lược và lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Một số nội dung quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa mà mới quy định có tính nguyên tắc về chủ trương, nội dung. Do đó, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam cần cụ thể hóa các nội dung này, đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ biên phòng.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, có thể thấy, tại Điều 5 quy định, nhiệm vụ biên phòng gồm: Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở biên giới, cửa khẩu. Xây dựng nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở biên giới; xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở biên giới….


Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai) phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ biên giới
Nguồn: ITN

Đến Điều 8, dự thảo Luật quy định, nền biên phòng toàn dân là sức mạnh phòng thủ biên giới, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân bao gồm: Xây dựng hệ thống chính trị và nhân dân, lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang hoạt động tại khu vực biên giới vững mạnh; Xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, pháp luật, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và khoa học công nghệ ở khu vực biên giới.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định tại Điều 8 dự thảo Luật giống Điều 7 của Luật Quốc phòng, cụ thể là quy định về nền quốc phòng toàn dân. Nếu giữ lại các nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân thì cần bổ sung một số điều, khoản quy định cụ thể về vấn đề này.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, dự thảo Luật có nêu khái niệm “nền biên phòng toàn dân” nhưng chưa nêu khái niệm “thế trận biên phòng toàn dân”. Vì thế, nên xem xét đưa khái niệm này vào dự thảo Luật, đồng thời, cần cụ thể hóa quy định về “nền quốc phòng toàn dân” và “thế trận biên phòng toàn dân”. Với nội dung “thế trận biên phòng toàn dân” chỉ nên đưa những vấn đề chung vào dự thảo Luật như: việc bố trí lực lượng dân sự, bố trí dân cư, phương tiện, cơ sở vật chất, giao thông, đường vành đai biên giới… nhằm làm căn cứ cho xây dựng thế trận biên phòng toàn dân.

Quy định rõ phương thức phối hợp

Hiện nay, Bộ Quốc phòng được xác định là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới. Còn trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân ở khu vực biên giới; sắp xếp dân cư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đồng bộ, gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh biên giới, thì bộ đội biên phòng có trách nhiệm tham gia phối hợp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, dự thảo Luật cần xác định lực lượng biên phòng là lực lượng nòng cốt trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, nền biên phòng toàn dân… Bởi lẽ, lực lượng bộ đội biên phòng là lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới. Khu vực biên giới, nhất là biên giới đất liền thường là vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa, dân trí thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ cán bộ còn hạn chế cho nên chính quyền, đảng, nhân dân trên địa bàn biên giới gần như dựa vào lực lượng bộ đội biên phòng. Thực tế hơn 60 năm qua cũng cho thấy, lực lượng bộ đội biên phòng đã làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong rất nhiều vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, từ vấn đề dân sinh, y tế, giáo dục, bố trí dân cư, đến vận động quần chúng xây dựng cơ sở, chính trị, xây dựng đảng… Do đó, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu quy định nhiệm vụ biên phòng, nhiệm vụ cụ thể của bộ đội biên phòng theo hướng, đây là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới nhằm thể hiện đúng vị trí, vai trò, tầm vóc của lực lượng bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, với tính chất vừa là lực lượng vũ trang, vừa là lực lượng làm công tác vận động quần chúng, vừa là bộ phận bảo đảm tác chiến, trị an nên sự phối hợp liên quân giữa bộ đội biên phòng với các lực lượng công an, quân đội, hải quan, dân quân tự vệ và các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn là rất quan trọng. “Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia. Việc tham gia phối hợp xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới là trách nhiệm của liên quân”. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể trên địa bàn khu vực biên giới.

Trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 43 đã quy định các nội dung phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quan trọng nhất là phương thức phối hợp như thế nào? Muốn phối hợp hiệu quả thì cần có phương thức phối hợp cụ thể và quy định ngay trong Luật. Nếu không có phương thức phối hợp tác chiến, thì phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp sẽ không triển khai được. Do đó, cần có phương thức phối hợp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Nhật An