Phát huy nội lực, nâng cao giá trị sản phẩm

- Thứ Hai, 05/08/2019, 08:33 - Chia sẻ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là “làn gió mới” trong xây dựng NTM thông qua việc phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bền vững. Nhận thấy hiệu quả từ chương trình này mang lại, thời gian qua chính quyền và nhân dân Đồng Nai luôn chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tạo nền móng cho nhiều thương hiệu lớn được phát triển.

Bệ đỡ xây dựng thương hiệu

Đồng Nai có hàng trăm sản phẩm của các cơ sở, hợp tác xã (HTX) mang tính đặc trưng địa phương, có tiềm năng phát triển và có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện phần lớn các sản phẩm này lại chưa mang lại giá trị kinh tế cao do chưa có thương hiệu mạnh, quy trình sản xuất chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Đặc biệt, việc quảng bá, tiếp cận, tìm kiếm và mở rộng thị trường còn hạn chế nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao như tiềm năng vốn có của các sản phẩm này. Do đó, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP nhằm khuyến khích các địa phương tập trung phát huy những lợi thế riêng này và để người dân chủ động chọn lựa và phát triển sản phẩm.


Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp tiêu biểu

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lê Văn Gọi, chương trình OCOP ở Đồng Nai tập trung vào 6 nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất và trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn; bán hàng; đồng thời, chương trình cũng khuyến khích các ý tưởng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế như: hữu cơ (Organic), GlobalGAP. Trọng tâm phát triển sản phẩm gồm: nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm; xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại... Đặc biệt, chương trình sẽ ưu tiên các đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ tại địa phương.

Khẳng định OCOP không phải chiến dịch mà là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cũng khẳng định: Chương trình OCOP đang được Đồng Nai toàn lực triển khai và xem là bệ đỡ cho mục tiêu xây dựng thương hiệu các đặc sản địa phương. Và, tỉnh cũng đang xây dựng, hoàn thiện đề án Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035. Cụ thể, định hướng đến 2035 sẽ đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để phát triển sản xuất tập trung qui mô lớn trong việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp; xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của nông nghiệp Đồng Nai trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Tham gia giới thiệu Chương trình OCOP tại Đồng Nai, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Ngô Tất Thắng nhận xét: Trong xu thế hiện nay, lợi thế cạnh tranh quốc gia là câu chuyện chúng ta cần quan tâm. Địa phương hóa sự cạnh tranh quốc gia, tất cả sự khác biệt về văn hóa, thể chế, lịch sử đều đóng góp vào lợi thế cạnh tranh này. “Chương trình OCOP đang được nhiều địa phương tập trung triển khai sẽ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở đông đảo nông dân. Mục tiêu của Chương trình OCOP là ưu tiên phát triển HTX, DN nhỏ và vừa; phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn”, ông Thắng cho biết.

Còn theo PGS.TS. Trần Văn Ơn (Trưởng bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội), OCOP tham gia giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn như: Hình thành và tái cấu trúc các HTX, DN ở vùng nông thôn, từ đó người dân thông qua góp vốn vào các HTX, DN trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế hợp tác; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu DN vào năm 2020… Đơn cử, là một trong những đơn vị có thương hiệu được biết đến hàng chục năm nay, các sản phẩm của Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở ấp Tân Bắc (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đã đều đặn xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân chia sẻ: “Khi nắm bắt được thông tin về việc tỉnh triển khai chương trình OCOP, chúng tôi đã đăng ký tham gia với mong muốn lớn nhất là sẽ được Nhà nước hỗ trợ về vốn và các chính sách phát triển nhân lực, nhất là đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ để có thể mở rộng quy mô sản xuất”.

Mới đây, tại hội nghị quán triệt sâu chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cũng đã gợi ý, thế mạnh của Đồng Nai là rừng, sông Đồng Nai cũng rất đẹp để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi của đông đảo người dân trong tỉnh và lượng khách lớn từ TP Hồ Chí Minh. Do đó, Chương trình cần tập trung vào việc tổ chức sự kiện, hội chợ để quảng bá, tiếp thị để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp… Đồng thời, phải xem OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, tăng giá trị. Đồng thời phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tập trung triển khai nhanh trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chính sách vốn ưu đãi

Được biết đến là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị… Song, phải thẳng thắn thừa nhận, nhiều tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trên địa bàn là chủ thể thực hiện vẫn khá bối rối với chương trình OCOP. Đơn cử như HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), mặc dù nhiều năm qua HTX luôn tập trung xây dựng thương hiệu riêng cho trái xoài với mục tiêu tổ chức xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính để có đầu ra bền vững nhưng theo Giám đốc HTX Nguyễn Thế Bảo, xoài là một trong những cây trồng có diện tích lớn ở nhiều địa phương của Đồng Nai nên chương trình phải tính toán đến việc nhiều xã trong cùng một huyện, thậm chí nhiều huyện trong tỉnh đều chọn trái xoài làm sản phẩm tiêu biểu. Vì thế nên xây dựng thương hiệu chung cho trái xoài Đồng Nai thay cho làm thương hiệu riêng lẻ ở từng xã.

Có một thực tế, việc huy động được vốn từ nguồn xã hội hóa thực hiện chương trình OCOP cũng là bài toán khó. Theo ông Trần Văn Trung, nông dân trồng sầu riêng VietGAP tại xã Bình An (huyện Long Thành), khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân khi đầu tư cho nông nghiệp là nguồn vốn. Mong Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ cho nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đặc biệt được vay vốn dài hạn hơn so với quy định hiện nay…  Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cũng cho rằng: Việc triển khai chương trình OCOP cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương chứ không nhất thiết xã nào cũng phải có sản phẩm tiêu biểu theo chỉ tiêu từ trên áp xuống. “Với những nông sản cùng là thế mạnh của nhiều địa phương nên liên kết lại xây dựng một thương hiệu chung cấp huyện, cấp tỉnh chứ không nên làm riêng ở cấp xã. Vai trò của Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi về mặt chính sách, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn để khuyến khích HTX, nông dân mạnh dạn đầu tư”, ông Phước nhấn mạnh.

L. THANH