Thảo luận Tổ trước kỳ họp HĐND

Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:13 - Chia sẻ
Việc tổ chức thảo luận Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các địa phương nơi bầu cử trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh được HĐND tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu tổ chức từ Kỳ họp thứ 5 (tháng 12.2017). Từ đó đến nay đã là lần thứ tư tổ chức nhưng hình thức này không hề nhàm chán mà mang lại hiệu quả rõ rệt, phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu HĐND tỉnh và nâng cao chất lượng ý kiến tham gia vào việc quyết định các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh.

Phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ đại biểu

Thời điểm Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Tổ thảo luận thông thường sau khi các đại biểu HĐND tỉnh đã nhận được tài liệu kỳ họp và chậm nhất trước kỳ họp HĐND 1-2 ngày. Theo đó, trên cơ sở các nội dung kỳ họp sẽ bàn, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh xác định thời gian, địa điểm, các nội dung sẽ thảo luận. Đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại huyện, thị nào thì tổ chức thảo luận tại địa phương đó. Địa điểm cụ thể do Tổ trưởng Tổ đại biểu thống nhất với Thường trực HĐND cấp huyện để bố trí. Về thời gian thông thường được tổ chức trong vòng 1 buổi. Thành phần mời, ngoài các vị đại biểu HĐND tỉnh trong Tổ thì mời thêm đại diện Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; ở địa phương, căn cứ vào nội dung thảo luận, ngoài mời lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, Tổ trưởng thống nhất với Thường trực HĐND cấp huyện mời thêm các phòng, ban, ngành liên quan; có địa phương mời cả đối tượng tác động và cán bộ, công chức cơ sở liên quan.

Về nội dung thảo luận, bám sát chương trình, nội dung kỳ họp, thông thường nội dung đưa ra thảo luận, các Tổ thường lựa chọn báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; các chuyên đề HĐND tỉnh sẽ bàn và quyết định tại kỳ họp. Trước buổi thảo luận, Tổ trưởng cũng đã phối hợp chuyển tài liệu liên quan cho Thường trực HĐND cấp huyện, nhất là các dự thảo nghị quyết sẽ bàn tại kỳ họp liên quan trực tiếp tới địa phương để chuyển tới các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan tiếp cận, nghiên cứu chuẩn bị ý kiến. Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện chủ trì, điều hành buổi thảo luận. Tuy nhiên, trọng trách chính vẫn thuộc về Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu trong Tổ.

Trình tự tổ chức các buổi thảo luận gồm các bước, như Tổ trưởng trình bày báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Tổ; tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; các nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trong đó, nhấn mạnh những nội dung cần làm rõ và cần bàn bạc tại kỳ họp gắn với địa phương; việc giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc địa phương; các giải pháp kiến nghị kỳ họp... Các đại biểu trong Tổ và thành phần địa phương thảo luận; đại diện Thường trực HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo; Tổ trưởng kết luận, thống nhất phân công đại biểu thảo luận tại kỳ họp, ý kiến thảo luận, chất vấn. Kết quả thảo luận Tổ sẽ được tổng hợp thành báo cáo và gửi về Thường trực HĐND tỉnh.


Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thị xã Hồng Lĩnh thảo luận tổ trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khóa XVII

Góp phần nâng cao chất lượng thảo luận, quyết định

Việc thảo luận Tổ tại các địa phương ngoài phát huy vai trò của Tổ đại biểu HĐND tỉnh thì còn góp phần giảm thời gian thảo luận tại kỳ họp. Bởi, nếu hoạt động thảo luận Tổ được tách riêng thì trong chương trình kỳ họp sẽ bớt được ít nhất 1 buổi dành cho thảo luận Tổ như trước đây. Thời gian thảo luận cũng cập rập và thành phần hạn chế nên số lượng và chất lượng ý kiến thảo luận Tổ cũng không được nhiều.

Đại biểu Nguyễn Văn Hổ, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: Từ khi Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh chủ trương tách phần thảo luận Tổ để tổ chức trước kỳ họp, thay vì lồng ghép trong từng kỳ họp như trước đây đã phát huy vai trò của cá nhân Tổ trưởng Tổ đại biểu cũng như các đại biểu HĐND tỉnh trong Tổ. Chúng tôi phải dành thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu và thảo luận bước một tại cuộc thảo luận; đồng thời, nghiên cứu sâu các nội dung dự kiến trình kỳ họp trong tài liệu kỳ họp để định hướng, gợi mở trong quá trình thảo luận. Nhờ đó, chất lượng thảo luận được nâng lên với nhiều ý kiến sát với thực tiễn. Bình quân một cuộc thảo luận Tổ tại đơn vị bầu cử, chúng tôi nhận được gần 20 lượt ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND và các vị đại biểu khách mời. Song song với hoạt động TXCT trước kỳ họp, việc thảo luận Tổ trước kỳ họp đã góp phần giúp cho Tổ định hình được nội dung thảo luận tại hội trường, ý kiến chất vấn cũng như khẳng định rõ ràng hơn chính kiến của các đại biểu trong quyết định các nội dung trình kỳ họp. Việc này cũng góp phần làm cho mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với địa phương nơi bầu cử và cử tri thêm gắn kết.

Không chỉ đại biểu Nguyễn Văn Hổ mà nhiều đại biểu HĐND cũng nhìn thấy rất rõ hiệu quả của việc thảo luận tổ trước kỳ họp tại các địa phương nơi bầu cử. Qua đúc kết, rút kinh nghiệm, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã duy trì hình thức này trước mỗi kỳ họp thường lệ 6 tháng, hàng năm. Tư liệu từ tổng hợp ý kiến thảo luận Tổ, ý kiến, kiến nghị của cử tri, cùng với nghiên cứu các tài liệu kỳ họp đã góp phần giúp cho các đại biểu dân cử có được bài phát biểu thảo luận tại kỳ họp vừa có tính bao quát lại có chiều sâu. Quan trọng nhất là nhiều nội dung mang đậm hơi thở của thực tiễn, góp phần giúp HĐND tỉnh ban hành các quyết sách sát hợp, góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao của HĐND theo luật định. Trong đó, phải kể đến như các quyết sách về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; các quyết sách chuyên đề trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo cú huých, giúp các địa phương xây dựng, nâng cao, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới bền vững, tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn Hà Tĩnh; các quyết sách chuyên đề trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường...

Có thể khẳng định, hoạt động thảo luận Tổ trước kỳ họp HĐND tỉnh tại Hà Tĩnh vừa giảm bớt thời gian và sức nặng cho kỳ họp, nâng cao chất lượng kỳ họp còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu HĐND. Đây là hình thức đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử cần tiếp tục duy trì và nhân rộng, không chỉ đối với cấp tỉnh mà ở cấp huyện cũng có thể học tập, thực hiện.

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh