Phát huy hết quyền năng, trách nhiệm là yếu tố quyết định hiệu quả tiếp xúc cử tri

- Thứ Ba, 11/12/2012, 08:24 - Chia sẻ
Trao đổi với PV Báo ĐBND sau chuyến đi tiếp xúc cử tri tại tổ dân phố Bá Xuyên 3, phường Lương Châu và phường Phố Cò, thị xã Sông Công, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN VŨ HỒNG BẮC cho rằng: việc tổ chức tiếp xúc cử tri phải tận dân, tận xóm và tổ dân phố. Đại biểu phải phát huy hết quyền năng, trách nhiệm của mình. Đây chính là yếu tố quyết định hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu…

- Thưa Chủ tịch, QH mới ban hành Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, trong đó có cải tiến, đổi mới tiếp xúc cử tri. Xin Chủ tịch cho biết, với HĐND tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết đã mang lại ý nghĩa như thế nào?

CT Vũ Hồng Bắc: Trong chuyến thăm và làm việc với Thái Nguyên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã trao đổi với chúng tôi một trong những nội dung cần đổi mới của HĐND là đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Đây cũng chính là đòi hỏi từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan dân cử.

Thái Nguyên cũng đang thực hiện đổi mới tiếp xúc cử tri và sẽ học tập kinh nghiệm của ĐBQH. Trong đó tăng cường tiếp xúc với những cử tri đang sống, lao động, công tác, học tập tại các thôn xóm, tổ dân phố, các cơ quan đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, trường học. Tại những nơi có nhiều vấn đề bức xúc, nhiều cử tri cùng kiến nghị, sau kỳ họp sẽ tổ chức tiếp xúc lại với cử tri tại địa phương đó để thông báo kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan chức năng...

Để tiếp xúc cử tri thiết thực, hiệu quả thì đại biểu HĐND phải tới tận dân, tận xóm, tổ dân phố, việc tiếp xúc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, đối tượng và có trọng tâm, trọng điểm. Phải làm thế nào để người dân tham gia được nhiều nhất, các vấn đề  phải được phản ánh kịp thời, đúng, trúng với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

 Trong quá trình tiếp xúc phải có lãnh đạo địa phương cơ sở; phải lắng nghe ý kiến cử tri; những kiến nghị của cử tri phải được ghi nhận và giải đáp thấu đáo, đúng trách nhiệm của các cấp chính quyền.

- Chủ tịch vừa cho biết tầm quan trọng của việc đổi mới tiếp xúc cử tri. Vậy, xin Chủ tịch nói rõ hơn về vai trò của đại biểu, trong hoạt động này?

CT Vũ Hồng Bắc: Theo tôi, vai trò của đại biểu HĐND rất quan trọng. Đại biểu phải truyền tải đến cử tri thông tin, chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và quyết định chính sách của địa phương, hoạt động của đại biểu giúp cho cử tri nắm được tình hình phát triển KT - XH, AN – QP… Từ đó, người dân tham gia giám sát hoạt động của đại biểu, của chính quyền, phát huy quyền làm chủ. Đại biểu HĐND phải là trung tâm của việc tiếp xúc cử tri; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri nhất là những đại biểu giữ vị trí lãnh đạo thì phải tìm nhiều cách để ý kiến của người dân đến với mình nhiều hơn, kịp thời hơn.

Tiếp xúc cử tri là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, không thể xem nhẹ. Không được mắc bệnh ngại  hay là bệnh lười  cơ sở, ngại tiếp xúc với dân. Đại biểu HĐND phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu và giải đáp kịp thời và đúng luật. Không để các ý kiến cử tri tồn đọng lâu cử tri sẽ không tin tưởng vào đại biểu.

Thực tiễn ở Thái Nguyên cho thấy, từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh cho đến các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo các sở, ban, ngành… và các đại biểu đã rất gần gũi với dân, đã có những cuộc tiếp xúc cử tri hiệu quả, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân.

- Đổi mới cũng chính là khắc phục các tồn tại trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Vậy HĐND tỉnh Thái Nguyên làm thế nào để khắc phục được những tồn tại này?

CT Vũ Hồng Bắc: Đổi mới phải có bước đi vững chắc. Không chậm trễ nhưng cũng không làm hình thức. Hiện nay, vẫn còn những điểm tiến hành tiếp xúc cử tri còn hình thức. Quá trình tiếp xúc cứng nhắc và theo chương trình có sẵn. Nhiều điểm tiếp xúc cử tri ý kiến na ná như nhau. Chưa tiếp xúc cử tri nhưng có người đã nói là thể nào cũng có những ý kiến nói về chế độ chính sách với cán bộ cơ sở, hoặc là điện, đường, trường, trạm...

Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề là một hình thức rất tốt để đi sâu vào đời sống xã hội và quản lý của địa phương; là một bước đổi mới, thực chất và có tác dụng rất tốt cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết HĐND. Muốn ra được một nghị quyết chuyên đề thì bản thân đại biểu phải nắm được bản chất vấn đề, cái khó khăn, thuận lợi, của ngành, lĩnh vực mà chuẩn bị ra nghị quyết. Ví dụ muốn ra được nghị quyết về y tế thì đại biểu phải trực tiếp vào bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh để tìm hiểu thực trạng hoạt động của hệ thống bệnh viện cấp tỉnh, huyện, trạm y tế cấp xã, đội ngũ y, bác sỹ, tình hình khám, chữa bệnh…

Chúng tôi quan tâm đến vai trò của các cơ quan báo, đài ở địa phương đăng tải kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XII, chúng tôi đã cho đăng tải trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước hàng tháng. Việåc đăng tải sớm góp phần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri. Cử tri sẽ không mất thời gian nhiều để hỏi lại vấn đề cũ mà sẽ chuyển sang hỏi những vấn đề mới, những vấn đề có tính thời sự, đồng thời tăng thêm sự tin tưởng với đại biểu. Việc có kết quả trả lời để đăng tải sớm cũng là sự cố gắng, tích cực của các cơ quan chuyên môn, của UBND tỉnh và đặc biệt là sự quan tâm, đôn đốc của Thường trực HĐND tỉnh. 

- Thưa Chủ tịch, làm thế nào để thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri vào việc xây dựng, ban hành Nghị quyết?

CT Vũ Hồng Bắc: Muốn có nhiều ý kiến cử tri thì chúng ta phải rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Ví dụ như quy chế phối hợp giữa HĐND với MTTQ, phải phát huy nhiều kênh thông tin. Phải tôn trọng và tạo điều kiện cho báo chí nêu được nhiều vấn đề, tạo được nguồn thông tin cho HĐND. Đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về định hướng đường lối chính sách mới, những chủ trương mới. Đặc biệt là hoạt động của HĐND thông qua đại biểu, thông qua cơ quan văn phòng, các cơ quan giúp việc, phối hợp với các cơ quan hữu quan.

Chúng ta cần phải lấy thông tin từ nhiều ngành, nhiều cấp và đặc biệt là phải lấy thông tin từ cử tri và nhân dân. Những cán bộ chủ chốt như đội ngũ cán bộ xóm, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn tăng cường đến với nhân dân thì sẽ có nhiều thông tin đích thực và hữu ích. Nếu chỉ nghe qua gián tiếp thì hạn chế thông tin chính thống, đầy đủ, kịp thời. 

Chúng tôi rất coi trọng ý kiến từ những cuộc tiếp xúc cử tri. Vì vậy cần tăng cường các buổi tiếp xúc. Trước đây, quy định mỗi đại biểu tiếp xúc ít nhất hai buổi trước kỳ họp nhưng bây giờ nâng lên tiếp xúc ít nhất ba buổi, và sau kỳ họp phải tiếp xúc cử tri. Đây là điều cần làm và như vậy sẽ tạo ra các cuộc tiếp xúc cử tri chất lượng tốt hơn, có nhiều thông tin đến đại biểu hơn.

- Theo Chủ tịch thì yếu tố nào sẽ quyết định hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu?

CT Vũ Hồng Bắc: Theo tôi, yếu tố quyết định hiệu quả tiếp xúc cử tri chính là người đại biểu phải phát huy hết quyền năng của mình.

Trước khi đi tiếp xúc cử tri, đại biểu cần phải xác định rõ trách nhiệm, không hời hợt hình thức, phải đọc tài liệu, nắm vững các chủ trương, chính sách, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của địa phương nơi mình đến để có thể hướng dẫn, giải đáp trực tiếp, kịp thời vấn đề cử tri nêu ra. Thứ hai, nội dung tiếp xúc cử tri phải chuyển tớái MTTQ, chính quyền nơi mình tiếp xúc có điều kiện chuẩn bị kỹ cho cuộc tiếp xúc. Thời gian tổ chức tiếp xúc phải khoa học, hợp lý, phù hợp thực tiễn. Ví dụ tiếp xúc khu vực cử tri ở vùng sản xuất nông nghiệp, nông thôn phải tránh thời điểm đang sản xuất thu hoạch cây trồng phải nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành; sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương. Tôi cho rằng, nếu tiếp xúc cử tri mà không tuyên truyền thì cử tri không biết đại biểu hoạt động như thế nào.

Các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Thực tế cho thấy, có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt ở địa phương thì cuộc tiếp xúc sẽ mang lại hiệu quả tốt. Trong cuộc tiếp xúc, ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, xã thì đại biểu tỉnh có thể  yêu cầu lãnh đạo chủ chốt huyện, xã trao đổi, trả lời trực tiếp.

Có thể thấy, hiệu quả tiếp xúc cử tri phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó, vai trò của đại biểu HĐND là rất quan trọng.

-  Xin cám ơn Chủ tịch!

H.AN thực hiện