Phát huy giá trị y dược cổ truyền

- Chủ Nhật, 08/09/2019, 09:00 - Chia sẻ
Trong những năm qua, hệ thống y dược cổ truyền của nước ta ngày càng được kiện toàn và có nhiều đổi mới; hệ thống tổ chức nhân lực về y dược cổ truyền từng bước được củng cố, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đó là khẳng định được đưa ra tại Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mekong lần thứ 9, tổ chức ngày 5 và 6.9 tại Hà Nội.

Từng bước kiện toàn hệ thống

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam mong muốn khẳng định vai trò của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe người dân. Việc củng cố, phát triển hệ thống y dược cổ truyền là một trong các mục tiêu cơ bản mà thời gian qua, Bộ Y tế rất quan tâm.

Đến nay, Việt Nam có hệ thống bệnh viện y dược cổ truyền công lập tuyến Trung ương và tuyến tỉnh là 65 bệnh viện. Tỷ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền đạt 92,7%. Các phòng chẩn trị, trạm y tế xã cũng đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y dược cổ truyền. Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đạt 84,8%; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh khẳng định, mạng lưới các cơ sở nghiên cứu về lĩnh vực y dược cổ truyền đã bước đầu được kiện toàn theo hướng phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập khu vực, thế giới. Hoạt động này được định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế xã hội; bảo tồn lưu trữ nguồn gene dược liệu và tri thức bản địa.

Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực y dược cổ truyền; công tác hợp tác quốc tế cũng được chú trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của y dược cổ truyền. Các địa phương cũng đã chủ trương bố trí cán bộ chuyên trách về công tác y dược cổ truyền tại các Sở Y tế; số cán bộ chuyên trách tại tuyến huyện tăng lên rõ rệt với tỷ lệ 9,06%.


Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y dược cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với Tây y
 Nguồn: ITN

Băn khoăn chất lượng dược liệu

Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, bên cạnh hệ thống công lập,  hiện cả nước còn có hơn 12.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền do các bác sĩ, y sĩ, lương y, người có bài thuốc gia truyền. Các phòng chẩn trị, trạm y tế xã đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền.

Muốn phát triển ngành y dược cổ truyền thì việc bảo đảm chất lượng nguồn dược liệu là yêu cầu cấp thiết. Song, đây vẫn là vướng mắc cần được tháo gỡ. Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Phạm Vũ Khánh cho biết, hiện mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y dược cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với Tây y; các sản phẩm thuốc y dược cổ truyền tại các bệnh viện không nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng dược liệu hiện nay cũng còn nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, thời gian gần đây chất lượng dược liệu, thuốc y dược cổ truyền đã tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt so với kỳ vọng. Nhất là khi công nghệ phát triển, việc gian lận hoạt chất, chế biến, bảo quản dễ dàng; vì lợi nhuận nhiều đơn vị kinh doanh thiếu đạo đức có thể trà trộn dược liệu chất lượng kém không đạt tiêu chuẩn, dược liệu lậu…

“Hiện thế giới và Việt Nam đều quản lý dược liệu bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn của dược liệu khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc Tây, không dễ dàng để định lượng, kiểm nghiệm được. Muốn quản lý được chất lượng dược liệu, thuốc y dược cổ truyền phải thực hiện quản lý theo nguồn gốc xuất xứ, kết hợp với kinh nghiệm của ông cha, với các tiêu chuẩn dược điển… Đồng thời các địa phương, cơ quan chức năng phải thực sự vào cuộc để kiểm soát” - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Vũ Khánh khẳng định.

Cần tháo gỡ khó khăn

Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương Vũ Nam cho rằng, dược liệu đưa vào bệnh viện phải qua đấu thầu, có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận về chất lượng hoạt chất để kiểm soát tránh dược liệu “rác” có hoạt chất làm thuốc thấp.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập nhằm bảo đảm lựa chọn thuốc trúng thầu có chất lượng tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định mới về gói thầu dược liệu khiến thuốc đông y khó có thể đáp ứng.

Cụ thể Thông tư 15 quy định, thuốc đông y phải đáp ứng 2 tiêu chí là đạt GMP (Thực hành sản xuất tốt) và GACP (Tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu) cho thuốc cổ truyền. Theo các chuyên gia, đây là tiêu chí khó có thể đáp ứng vì đa phần dược liệu của Việt Nam chưa đạt GACP và cũng rất ít cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Trong khi, hiện nay cũng chưa có thống kê về danh mục các dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP đủ yêu cầu sử dụng trong nước.

Mặt khác, hiện cả nước mới có 13 nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn GMP, thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP - WHO). Trong số trên 200 cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, chế biến dược liệu cung cấp trên 2.000 chế phẩm cho các cơ sở khám, chữa bệnh và sản xuất thuốc cổ truyền thì con số này còn quá nhỏ để đáp ứng. Những khó khăn này cần tiếp tục được tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển của ngành y dược cổ truyền Việt Nam.

Minh Nhật