Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên

- Thứ Bảy, 18/04/2020, 19:10 - Chia sẻ
Sáng 10.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu điều khiển phiên họp

7 nhóm chính sách lớn

Theo Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, Luật Thanh niên năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên... Triển khai thực hiện Luật Thanh niên, bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên ở các bộ, ngành, địa phương đã được thiết lập và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên. Thông qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của thanh niên ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, một số quy định của luật hiện hành khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác như: chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong luật, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật

Do vậy, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương và 62 điều, tăng 26 điều so với luật hiện hành. Dự án Luật có 7 nhóm chính sách lớn, trong đó nhóm chính sách thứ nhất về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên. Nhóm chính sách thứ 2, 3 và 4 quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể. Trong nhóm các nhóm chính sách này, Bộ trưởng Tân cho biết, dự thảo Luật đã thiết kế các chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực, tạo sự rõ ràng, liên kết chặt chẽ, tránh lặp đi lặp lại nhiều lần trong dự thảo Luật, cũng như bảo đảm sự phù hợp, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ với chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Nhóm chính sách thứ 5 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên (được quy định trong Chương III dự thảo Luật). Chương này quy định trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời quy định mối quan hệ phối hợp trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên. Nhóm chính sách thứ 6 quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên. Cụ thể, quy định trách nhiệm của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức khác của thanh niên. Nhóm chính sách thứ 7 quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên. Trong đó, gia đình, nhà trường có trách nhiệm trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm. Các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập các tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
 
Cần xác định lại cách tiếp cận

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tán thành với việc sửa đổi Luật Thanh niên hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 ; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành. Thường trực Ủy ban cũng nhận thấy, tại dự án luật này cần vừa quy định những vấn đề có tính nguyên tắc vừa quy định cụ thể, chi tiết, đồng thời có các biện pháp bảo đảm thi hành. Đặc biệt, Thường trực Ủy ban lưu ý, dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật

Về quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng, thanh niên là một trong những nhân tố có vai trò quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước, có sức trẻ, thể lực dồi dào, tư duy năng động, sáng tạo. Mục đích chính của việc xây dựng quyền, nghĩa vụ cũng như chính sách đối với thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho thanh niên so với những công dân khác. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo xác định lại cách tiếp cận để từ đó xây dựng nội dung các quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học, có giá trị trong thực tiễn thi hành.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) tách quyền với nghĩa vụ của thanh niên thành hai điều khác nhau, đồng thời quy định chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ trong từng lĩnh vực. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ nhận thấy, việc liệt kê quyền, nghĩa vụ và các chính sách theo từng lĩnh vực sẽ dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành. Vì vậy, trong quá trình thiết kế các điều khoản cụ thể, Ban soạn thảo cần tính đến mối quan hệ giữa Luật Thanh niên và các luật ở từng lĩnh vực để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.


Toàn cảnh phiên họp

Có cùng quan điểm với cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đều băn khoăn trước các chính sách ưu tiên đặc biệt cho thanh niên được quy định tại dự thảo Luật. Chủ nhiệm Lê Thị Nga chỉ rõ, trong hệ thống luật hiện nay chỉ quy định chính sách ưu đãi với trẻ em (dưới 16 tuổi) và người cao tuổi  từ 60 tuổi trở lên). “Hai đối tượng này có chính sách riêng do là những đối tượng yếu thế, cần có những chính sách đặc thù, được dành ưu đãi đặc biệt”. Nhấn mạnh thực tế này, bà Nga cho rằng, việc quy định chính sách ưu tiên đặc thù cho thanh niên như dự án luật là không hợp lý, vì không thể coi đối tượng khỏe nhất giống như đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần có cách tiếp cận theo hướng xây dựng chính sách để khuyến khích thanh niên sáng tạo, phát huy thế mạnh của mình.

Bên cạnh đó, do một số quyền, nghĩa vụ của thanh niên quy định tại dự thảo luật này đã được các luật liên quan điều chỉnh, các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị, Ban soạn thảo tiến hành rà soát, chỉnh lý dự thảo luật, để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật khác. Thay vì quy định trùng lắp với các luật liên quan, một số ý kiến đề nghị, dự án Luật nên được xây dựng với cách tiếp cận để phát triển lực lượng này, tháo gỡ một số yếu tố kìm hãm hay khắc phục các điểm yếu của thanh niên nước ta hiện nay.

Tin: Phương Thủy
Ảnh: Quang Khánh