Phát huy bản chất nhân dân, hoạt động HĐND sẽ mạnh

- Thứ Bảy, 30/04/2016, 09:23 - Chia sẻ
Những thăng trầm trong hoạt động HĐND cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã khẳng định một chân lý khách quan: Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực. Cử tri và Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng những tồn tại, hạn chế, nhất là trong hoạt động HĐND cấp huyện, xã sẽ được khắc phục khi tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng được hoàn thiện và nâng cao.

Nhiệm kỳ thử thách và thắng lợi

 Từ sau đại hội các cấp của Đảng, nhân sự các cơ quan chính quyền, mặt trận các cấp có nhiều thay đổi, một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức công tác bầu cử nên dễ dẫn đến sai sót, thậm chí vi phạm quy định pháp luật về bầu cử. Vì vậy, Thường trực HĐND cần phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQ các cấp tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho những người làm công tác bầu cử, nhất là các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử ở cấp xã, các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND, chủ động trước mọi tình huống để cuộc bầu cử diễn ra thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân.  

Chắc hẳn, nhiều người, nhất là những người hoạt động trong cơ quan dân cử ở cấp huyện, cấp xã vẫn còn nhớ tổ chức của mình đã trải qua nhiệm kỳ 2011 - 2016 đầy thử thách như thế nào. Khi có ý kiến khác nhau về HĐND các cấp đã chủ trương cho thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; để minh bạch quan điểm và tư tưởng về thiết chế nhà nước dân chủ Việt Nam; để rộng đường dư luận và để nhân dân xem xét, phán quyết như một cách thực hiện quyền lực của mình.

Rồi thời gian thí điểm đủ minh chứng, khẳng định một chân lý khách quan, để chính quyền địa phương thực sự mang bản chất nhân dân, bảo đảm tính ưu việt của thiết chế dân chủ và sự ổn định của nền hành chính phục vụ nhân dân… thì ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát quyền lực. Do đó không thể “bỏ” HĐND ở một cấp chính quyền nào cả. Đó là quyết định của nhân dân, là thắng lợi của nền dân chủ XHCN.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2011 - 2016, cùng với hiệu ứng, hiệu quả từ hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là QH đến HĐND cấp tỉnh; HĐND cấp huyện và cấp xã - Những người thực thi sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân địa phương đã giữ vững, phát huy bản chất nhân dân và có những đóng góp rất quan trọng.

Trước hết, hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã - cấp gần dân nhất đã tích cực thúc đẩy việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đó là mối quan hệ “Công dân - Nhà nước”. Ở tỉnh Lâm Đồng, với 425 đại biểu HĐND cấp huyện, 4.096 đại biểu HĐND cấp xã thì có trên 91% đại biểu HĐND 2 cấp tham dự đầy đủ các cuộc TXCT; trên 48% - 57% đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã tham gia các buổi tiếp công dân theo phân công; tiếp thu và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên 32.000 kiến nghị. Đại đa số đại biểu HĐND cấp cơ sở đều tích cực thực hiện nhiệm vụ, ý thức được trách nhiệm của mình, thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri và nhân dân.

Thứ hai, nhiệm kỳ qua, HĐND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện hiệu quả chức năng quyết định và giám sát quyền lực tại địa phương. Nhiều giải pháp hay về phát triển KT - XH, xây dựng NTM; điều chỉnh, bãi bỏ quy hoạch, dự án “treo” chậm tiến độ; quản lý đất đai, đền bù GPMB; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, an sinh xã hội; cải cách hành chính… được HĐND xem xét, quyết định và giám sát tích cực. Trên 87% kiến nghị sau giám sát được giải quyết. Sự chậm trễ của các cơ quan QLNN, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp trên mỗi địa bàn trong việc tuân thủ pháp luật và các cam kết… đều không lọt qua được tai mắt giám sát của nhân dân, của đại biểu HĐND và không dễ dàng gì “rơi vào im lặng” trước những chất vấn, truy vấn của đại biểu HĐND và cử tri tại các kỳ họp, TXCT.

Thứ ba, hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã được nhân dân đón nhận là một trong những hình thức cơ bản của nền dân chủ cơ sở, phù hợp với truyền thống chính trị, giá trị văn hóa của đất nước và dân tộc. HĐND là hạt nhân để phát huy và phát triển quyền dân chủ của nhân dân... Qua đó, làm cho mọi công dân thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước, làm cho nền tảng xã hội càng sâu rộng, ý thức chính trị và khả năng tham gia vào đời sống chính trị của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần quản trị địa phương theo pháp luật và đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng…

 Kỳ vọng HĐND sẽ mạnh lên

Tuy vậy, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của HĐND cấp huyện, cấp xã cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại do nhiều nguyên nhân. Cử tri và Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng những tồn tại, hạn chế, nhất là trong hoạt động HĐND cấp huyện, xã sẽ được khắc phục khi thể chế về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng được hoàn thiện cùng với thời điểm bắt đầu hiệu lực của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền… Tuy nhiên, đến nay chưa có các văn bản dưới Luật thể chế hóa và hướng dẫn cho địa phương thực hiện. Mặt khác, cơ cấu tổ chức HĐND cấp huyện, xã cũng có những thay đổi, vậy nên Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 cũng cần phải được ban hành thay thế phù hợp với các quy định mới của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở mỗi cấp chính quyền đô thị, nông thôn có những điểm mới so với trước. Trong đó, HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương được phép ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị; các chủ thể và hình thức, nội dung giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã được mở rộng, đa dạng hơn; trình tự ban hành nghị quyết HĐND được quy định chi tiết hơn… Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan của HĐND, cán bộ tham mưu, giúp việc cho HĐND phải nghiên cứu, tiếp cận ngay từ lúc này, bảo đảm các dự thảo nghị quyết trình HĐND được thực hiện đúng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp, chất lượng nghị quyết của HĐND.    

Luật mới quy định, Thường trực, ban HĐND là các cơ quan của HĐND, do vậy, tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ cho HĐND cấp huyện, cấp xã cần sớm được Chính phủ quy định cụ thể, khắc phục được hạn chế đã nêu trong nhiệm kỳ 2011 - 2016.

ThS. Nguyễn Vân Hậu