Sổ tay

“Phạt cho tồn tại” còn phổ biến

- Thứ Hai, 01/04/2019, 09:01 - Chia sẻ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay Sở đã tiến hành kiểm tra công tác cấp phép xây dựng tại 24/30 quận, huyện, thị xã. Trong quý II, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra tại 6 quận, huyện: Long Biên, Thanh Oai, Mê Linh, Ứng Hòa, Hai Bà Trưng và Mỹ Đức. Đến thời điểm này, toàn thành phố còn nợ 80 công trình vi phạm trật tự xây dựng trước năm 2018 chưa được xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng đã có 13 văn bản đôn đốc quận huyện thị xã, đồng thời có 12 văn bản báo cáo đề xuất Thành ủy, UBND thành phố. Thành ủy và UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã và thị trấn phải tập trung xử lý giải quyết dứt điểm các vi phạm tồn đọng trên địa bàn quản lý. Được biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị toàn thành phố đã xử lý 44/65 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Một trong những nguyên nhân được đại diện Sở Xây dựng nêu lên để giải thích cho tình trạng trên là hiện trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng vẫn còn không ít bất cập. Cụ thể:  Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý và thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố chưa được phủ kín, do vậy gây khó khăn cho công tác cấp giấy phép xây dựng. Khoản 1, Điều 91, Luật Xây dựng 2014 về điều kiện cấp phép xây dựng đối với công trình trong đô thị quy định, công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Với quy định này, các công trình không đủ điều kiện nêu trên phải xin ý kiến về thông tin quy hoạch cho từng công trình làm cơ sở để cấp phép xây dựng, nhưng hiện một số địa bàn của Hà Nội lại chưa có quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng chỉ áp dụng được tại các khu đô thị mới triển khai xây dựng đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế các khu vực đô thị cũ, nhất là những quy định áp dụng quy chuẩn Việt Nam về tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng đối với nhà đất khu phố cũ, khu phố đã ổn định chưa phù hợp thực tế dẫn tới tình trạng xây dựng sai phép…

Tuy nhiên, bên cạnh những vướng mắc về thể chế đã nêu thì thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng thời gian qua cho thấy, có sự đùn đẩy trách nhiệm, không rõ ràng giữa quản lý trật tự xây dựng và quản lý tài nguyên, môi trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến công tác xử lý không rõ ràng, không kịp thời, không triệt để, tình trạng phạt cho tồn tại còn phổ biến. Được biết, trước năm 2018, từ 413 công trình vi phạm tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào. Theo kế hoạch, trong tháng 4, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ giải quyết, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thẩm quyền và đề ra tiến độ xử lý đối với 80 trường hợp tồn đọng, với tinh thần “trách nhiệm của cấp nào, cấp đó chịu”.

Nguyễn Minh