Pháp điển hóa tại Nga và Đông Âu: Vai trò của các Ủy ban Pháp điển hóa

- Thứ Sáu, 22/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nhận thấy tầm quan trọng của PĐH, nhiều nước trong khu vực Đông âu đã có những chương trình PĐH riêng nằm trong cải cách pháp luật nói chung, với những cơ quan chuyên biệt về PĐH. Nhiều nước đã thành lập các Ủy ban hoặc cơ quan tương tự để tiến hành PĐH pháp luật nói chung hoặc PĐH theo từng lĩnh vực như luật dân sự, luật lao động, luật hình sự, luật môi trường....

05-vai-tro-2210-300.jpg

Slovakia có Ủy ban PĐH thuộc Bộ Tư pháp được thành lập năm 2007; Ba Lan có Ủy ban PĐH chung nằm trong Bộ Tư pháp và Ủy ban PĐH pháp luật lao động do Bộ Lao động thành lập năm 2002; ở CH Czech có các Ủy ban Tái PĐH pháp luật hình sự được thành lập năm 1995 và 1997 trực thuộc Bộ Tư pháp có gần 40 thành viên; ở Hungary có Ủy ban PĐH pháp luật dân sự có nhiệm vụ xây dựng Bộ luật Dân sự mới; ở Nga có Hội đồng PĐH và hoàn thiện pháp luật dân sự trực thuộc Tổng thống LB Nga....

Hội đồng được thành lập theo một Sắc lệnh của Tổng thống năm 1999, sửa đổi năm 2008. Theo đó, Hội đồng là cơ quan tư vấn trực thuộc Tổng thống LB Nga đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức xã hội, các cơ sở nghiên cứu trong việc hoàn thiện pháp luật dân sự. Nhiệm vụ của Hội đồng gồm: xây dựng để trình Tổng thống chiến lược, định hướng pháp luật dân sự; thẩm định các dự luật liên bang trong lĩnh vực pháp luật dân sự; phân tích thực tiễn áp dụng Bộ luật Dân sự LB Nga để kiến nghị sửa đổi nếu thấy cần thiết; kiến nghị các cơ quan nhà nước cấp liên bang trong việc xây dựng pháp luật dân sự. Thành phần của Hội đồng gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các thành viên Hội đồng, gồm các nhân vật nổi tiếng trong giới luật học như các GS, TS đầu ngành; các thẩm phán cao cấp của các Tòa án liên bang; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chủ nhiệm Ủy ban của Duma Quốc gia Nga...

Tuy nhiên, các cơ quan dạng này không tiến hành PĐH về hình thức theo dạng như ở Pháp hay Mỹ, mà có nhiệm vụ xây dựng hoặc tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng pháp luật một cách có hệ thống, thống nhất, theo trục các Bộ luật lớn. Điều này một lần nữa chứng minh quan niệm PĐH về mặt nội dung ở các nước này.

Chẳng hạn như Ủy ban PĐH pháp luật lao động của Ba Lan thành lập năm 2002 có nhiệm vụ xây dựng hai bộ luật riêng biệt về việc làm và quan hệ lao động. Hoặc là ở Czech, đến nay các quy định về pháp luật hình sự đã được PĐH trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Hay là Ủy ban PĐH của Slovakia có nhiệm vụ xây dựng xong Bộ luật Dân sự vào năm 2010. Vào tháng 6.2008, Tổng thống LB Nga đã ban hành Sắc lệnh giao nhiệm vụ cho Hội đồng Pháp điển hóa và hoàn thiện pháp luật dân sự trực thuộc Tổng thống LB Nga cùng với Trung tâm Nghiên cứu luật tư xây dựng chủ thuyết cải cách pháp luật dân sự Nga. Năm 2009, Hội đồng đã ban hành Quyết định thông qua Chủ thuyết phát triển pháp luật dân sự của LB Nga.

Ở Ba Lan, vào năm 1997 Ủy ban PĐH thuộc Bộ Tư pháp đã được thành lập, chịu trách nhiệm điều phối Chương trình PĐH của nước này. Trong năm đó, Bộ luật Hình sự đã ra đời thay thế ba đạo luật trước đấy; năm 1999, Bộ luật Tài chính thay thế những quy định từ thời XHCN; vào năm 2001, Bộ luật Công ty thương mại thay thế Bộ luật Thương mại 1934. Hiện nay Ủy ban đang nghiên cứu các phương án sửa đổi toàn diện Bộ luật Dân sự Ba Lan, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Gia đình và Giám hộ, cũng như xây dựng các Bộ luật mới như Bộ luật về Các tội phạm nhỏ, Luật Trọng tài thương mại quốc tế, Luật Phá sản mới.

Minh Thy