Pháp điển hóa tại Nga và Đông Âu: Hướng đến mục tiêu chuyển đổi

- Thứ Sáu, 22/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Mục tiêu của pháp điển hóa (PĐH) ở các nước chuyển đổi liên quan trực tiếp đến bối cảnh chuyển đổi, cải cách ở đó. Đây là một điểm đặc trưng của hoạt động lập pháp nói chung và PĐH nói riêng ở Nga và các nước Đông âu khác, kết nối sự chuyển đổi từ kinh tế XHCN sang kinh tế thị trường.

05-phap-dien-2210-300.jpg

Ở Nga, một trong những lý do để PĐH là nhằm xây dựng hệ thống thống nhất các quy định cùng một lĩnh vực, hiện đại hóa pháp luật. Bên cạnh đó, PĐH nhằm tạo hành lang pháp lý để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Khi nói đến PĐH trong lĩnh vực pháp luật dân sự, Bộ luật Dân sự LB Nga được coi là “hiến pháp về kinh tế” của nước Nga để nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ luật này.

Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự mới của LB Nga từng đặt mục đích có tính “cách mạng” là thay thế một cách toàn diện các đạo luật liên quan của nền kinh tế tập trung Xô viết cũ và những quy định được soạn thảo một cách vội vã vào vài năm đầu của thời hậu Xô viết. Tuy nhiên, bộ luật này chưa đủ rộng và chi tiết để thay thế được toàn bộ các quy định trước đây. Do đó, trong mỗi phần của Bộ luật Dân sự mới đều có những điều khoản chuyển đổi thừa nhận hiệu lực của một số quy định cũ.

Hơn nữa, nước Nga lại có cấu trúc nhà nước liên bang với 89 chủ thể liên bang có thẩm quyền lập pháp nhất định. Vì thế, ở Nga, Hiến pháp 1993 đã trao thẩm quyền tuyệt đối cho chính quyền liên bang trong việc ban hành pháp luật dân sự. Chính quyền liên bang coi việc ban hành những bộ luật có tính PĐH như bộ luật Dân sự là cách thức để vượt qua lực cản đối với kinh tế thị trường từ các chủ thể liên bang.

05-phap-dien-2210-300-a2.jpg

Cũng như vậy, từ tháng 1.1990 đến tháng 12.1997 ở Hungary đã ban hành 894 đạo luật, 1635 nghị định của chính phủ, 2331 văn bản của các bộ, với tổng cộng hơn 51 ngàn trang. Có nhiều ý kiến phê phán sự mâu thuẫn giữa các quy định trong các tài liệu nghiên cứu về pháp luật ở Hungary giai đoạn này. Như lời một tác giả, tình trạng “hỗn độn” này là lý do để tiến hành PĐH ở Hungary. Trong bối cảnh đó, vai trò của PĐH thể hiện ở việc hợp lý hóa hệ thống pháp luật, tạo ra tính thống nhất, và tiến tới đạt được sự ổn định.

Quá trình xây dựng Bộ luật Lao động của Ba Lan hiện nay là một ví dụ khác chứng minh triết lý cải cách của PĐH ở các nước chuyển đổi. Bối cảnh mới ở Ba Lan từ những năm 1990 đòi hỏi cải cách triệt để luật lao động nước này được thừa kế từ Bộ luật Lao động năm 1974. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn, cho nên thời gian đầu chính phủ Ba Lan chỉ sửa đổi dần dần Bộ luật 1974 và các đạo luật liên quan. Thế nhưng, cách làm này không đáp ứng được những yêu cầu về dân chủ và kinh tế thị trường do Hiến pháp 1997 và việc gia nhập EU đặt ra. Hơn nữa, cách làm dó cũng khiến cho pháp luật lao động của Ba Lan thiếu đồng bộ, rời rạc, khi cả quy định mới và cũ cùng tồn tại song hành với nhau. Do đó, Ba Lan càng nhận thức rõ nhu cầu cần cải cách một cách căn bản nhằm tạo ra hệ thống pháp luật lao động toàn vẹn, nhất quán, bao trùm tất cả các vấn đề về việc làm và quan hệ lao động, đáp ứng các yêu cầu. Ở hầu hết các nước chuyển đổi khác như Nga, Litva, Croatia, Ukraina…, Bộ luật Lao động đều được đổi mới một cách căn bản như thế. Theo nghiên cứu của một tác giả, thực tiễn ở các nước có Bộ luật Lao động cho thấy, PĐH dưới dạng bộ luật đã bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như lợi ích công cộng và nền kinh tế thị trường.

Nguyên Lâm