Pháp điển hóa tại Mỹ: Một khái niệm, hai cách làm

- Thứ Sáu, 19/03/2010, 00:00 - Chia sẻ
Việc thực hiện Bộ pháp điển pháp luật liên bang và Bộ pháp điển pháp quy liên bang ở Hoa Kỳ đều được thực hiện trên cơ sở một khái niệm, đó là pháp điển hoá về mặt hình thức. Tuy nhiên, do được thực hiện trong những bối cảnh khác nhau và phương pháp khác nhau nên kết quả đạt được có phần không tương đồng.

Trong khi Bộ pháp điển pháp luật liên bang được thực hiện trước nhưng do không đặt ra thời hạn cụ thể để kết thúc công việc nên việc pháp điển bị kéo dài đến hơn 80 năm (từ 1926) và thậm chí cho tới nay vẫn chưa rõ được thời điểm kết thúc công việc. Hơn thế nữa, sự cẩn trọng về mặt kỹ thuật và quy trình thủ tục thông qua phức tạp (tuân theo quy trình lập pháp và được hai viện thông qua) cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho việc pháp điển hoá trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Bộ pháp điển pháp luật liên bang cũng có giá trị nhất định. Trước hết, mặc dù các đề mục chưa được thông qua hết nhưng việc sắp xếp các quy phạm pháp luật theo các đề mục, các lĩnh vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm các quy định pháp luật. Hơn thế nữa, các quy định này còn được ghi nhận là có giá trị chứng cứ ban đầu của luật, tạo ra sự thuận lợi trong quá trình sử dụng.

Trong khi đó, mặc dù được thực hiện sau nhưng do được thực hiện trong bối cảnh cấp thiết hơn và trên cơ sở có sự chỉ đạo tập trung với sự tham gia của cơ quan ban hành trong thời hạn rõ ràng nên Bộ pháp điển pháp quy liên bang đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn kỷ lục (chỉ trong vòng 1 năm). Mặc dù những sản phẩm ban đầu chưa phải là thực sự hoàn hảo nhưng việc ấn định thời gian đã tạo ra sức ép để hoàn thành công việc. Và quan trọng hơn, việc ấn định thời gian như vậy sẽ xác định được một cách rõ ràng những quy định ngoài bộ pháp điển sau thời gian được ấn định sẽ không được xem là còn hiệu lực. Khi đó, các quy phạm pháp luật sẽ được sắp xếp một cách có hệ thống theo chủ đề và cơ quan ban hành, khiến cho việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Hệ thống các quy phạm cũng trở nên minh bạch và toàn diện hơn nhiều vì người ta có thể tìm thấy mọi quy định hiện hành và được thực thi ở cùng một chỗ; rõ ràng hơn và chắc chắn hơn vì Bộ pháp điển pháp quy liên bang chỉ chứa đựng các quy định có hiệu lực bởi các quy định không còn hiệu lực và đã được thay thế đều được loại bỏ; nhất quán hơn vì các quy định mâu thuẫn và chồng chéo đã được giải quyết, hợp lý hóa; ổn định hơn vì Bộ pháp điển pháp quy liên bang đưa ra một nền móng ổn định để cho các thay đổi trong tương lai.

 

      Thông thường, pháp điển hoá được theo hai cách cơ bản là pháp điển hóa về mặt nội dung và pháp điển hóa về mặt hình thức.

      Pháp điển hóa về mặt nội dung (substantive codification) là cách hiểu về pháp điển hóa mang tính truyền thống. Theo đó, pháp điển hóa là việc xây dựng một bộ luật trên cơ sở tập hợp các quy định hiện hành, loại bỏ các quy định không phù hợp; bổ sung, dự liệu những quy định mới để đáp ứng sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội đang phát triển. 

Pháp điển hóa hình thức (formal codification) là cách thức tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật thành các bộ luật theo từng chủ đề với những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết (chủ yếu về mặt kỹ thuật) nhằm làm cho các quy định này phù hợp với nhau nhưng vẫn đảm bảo trật tự pháp lý của các quy định.

      Xuất phát từ yêu cầu của thực tế là cần phải tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận các quy định pháp luật thành văn do nhà nước ban hành, việc pháp điển hoá hình thức rất được chú trọng ở Mỹ và có quá trình phát triển lâu đời. Từ những năm cuối của thế kỷ XIX, những bộ pháp điển chính thức đầu tiên tập hợp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực do Quốc hội Mỹ ban hành đã bắt đầu được xây dựng.

      Một điểm thú vị là mặc dù có sự thống nhất về khái niệm pháp điển hoá, (pháp điển hoá hình thức) nhưng cách thức, phương pháp tiến hành pháp điển hoá ở Mỹ lại có sự khác biệt đối với các quy định do Quốc hội Mỹ ban hành (Bộ pháp điển pháp luật liên bang – The U.S Code) và các quy định do Chính phủ ban hành (Bộ pháp điển pháp quy liên bang – The Code of Federal Regulations). Thực tế thì quá trình tiến hành pháp điển hoá các bộ luật này cũng được tiến hành một cách độc lập với nhau, trong những bối cảnh khác nhau và cũng cho các kết quả khác nhau.

Minh Hiếu