Pháp - Đức đề xuất thành lập quỹ phục hồi kinh tế EU

- Thứ Tư, 20/05/2020, 07:11 - Chia sẻ
Pháp và Đức mới đây đã đề xuất kế hoạch chung trị giá hàng trăm tỷ euro, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) trước những tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế trong khu vực.

Trong cuộc hội đàm trực tuyến vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thành lập quỹ phục hồi nền kinh tế EU. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đứng ra nhận khoản nợ trị giá 500 tỷ USD (543 tỷ USD) trên thị trường tài chính để có thể cung cấp các khoản tài trợ cho những quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Theo hai nhà lãnh đạo, quỹ 500 tỷ euro được đề xuất sẽ bổ sung cho ngân sách EU giai đoạn 2021 - 2027 phù hợp với các hiệp ước của EU.


Nguồn: Reuters

Đề xuất của hai nước là kết quả các cuộc đàm phán rộng rãi giữa các quốc gia thành viên EU, trong đó có Italy và Hà Lan. Nền kinh tế khu vực đồng euro được dự báo sẽ giảm tới 7,7% về tổng thể trong năm nay, thiệt hại nghiêm trọng nhất ở các nước phía Nam như Italy và Hà Lan, được dự báo bị giảm gần 10%, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp phá sản và người dân bị mất việc làm. Tổng thống Pháp cho biết, đây là lần đầu tiên Pháp và Đức đồng ý để EU tăng nợ và gọi đây là một bước tiến lớn. Ông Emmanuel Macron đồng thời khẳng định, tiền từ quỹ phục hồi sẽ được cung cấp dưới dạng trợ cấp, không phải cho vay. Tuy nhiên, các khoản tài trợ từ quỹ phục hồi được đề xuất phải có sự ràng buộc, dựa trên cam kết rõ ràng từ các quốc gia thành viên để tuân theo các chính sách kinh tế hợp lý.

EC sẽ trình bày đề xuất riêng về một quỹ phục hồi liên quan đến ngân sách dài hạn tiếp theo của EU vào ngày 27.5, đồng thời cũng hoan nghênh những sáng kiến đến từ Pháp và Đức. Nghị viện châu Âu đã kêu gọi đưa ra một giải pháp cho chính phủ các nước để đưa ra nguồn thu mới dành riêng cho ngân sách của EU, để họ có thể trả lại số tiền EC đứng ra vay trả cho các khoản trợ cấp. Trong các nguồn thu mới cho ngân sách, các nước đã liệt kê thuế nhựa, thuế kỹ thuật số, thuế giao dịch tài chính và thuế đối với các loại hàng hóa nhập khẩu vào EU từ các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải CO2 thấp hơn các nước EU. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng hứa sẽ làm “bất cứ điều gì” để giúp vượt qua đợt khủng hoảng lần này, bao gồm kế hoạch mua trái phiếu chính phủ trị giá 750 tỷ euro cho các quốc gia đang gặp khó khăn.

Như Ý