Phao cứu sinh của người bệnh

- Thứ Ba, 02/07/2019, 08:39 - Chia sẻ
Sau 27 năm thực hiện chính sách BHYT, việc tham gia BHYT được đánh giá là một trong những giải pháp giúp người dân có “phao cứu sinh” thoát khỏi bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều lý do khác nhau. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo đói nếu chẳng may bị ốm đau, tai nạn.

89% dân số tham gia BHYT

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến tháng 5.2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, tương đương 89% dân số. Đáng chú ý, diện bao phủ BHYT đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100%; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%.

Đáng nói là thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Đơn cử như trường hợp của hai 2 anh em Tẩn Láo Tả và Tẩn Láo Lở ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn huyện Bát Xát, Lào Cai, đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Do mắc bệnh máu khó đông, hai anh em thường xuyên rơi vào tình trạng chảy máu trong cơ khớp, không thể tự đi lại và việc điều trị cũng rất tốn kém với chi phí mỗi đợt lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong hành trình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, tấm thẻ BHYT vẫn luôn song hành, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.

Tính đến tháng 5.2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT  Nguồn: ITN

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong danh sách những bệnh nhân được hưởng BHYT chi phí cao nhất từ năm 2018 đến nay, có đến hơn 20 trường hợp được BHYT chỉ trả từ trên 1 tỷ đến 3 tỷ đồng. Có thể kể ra những bệnh nhân được hưởng BHYT chi phí cao nhất thời gian gần đây như bệnh nhân Đào Văn Hoan (sinh 1992, Thái Nguyên) được BHYT chi trả gần 2,96 tỷ đồng; bệnh nhi Hoàng Minh Vũ (sinh 2010, Lạng Sơn) được BHYT chi trả trên 2,93 tỷ đồng; bệnh nhân Nguyễn Bạch Nhật (sinh 1956, Hưng Yên) được BHYT chi trả 2,37 tỷ đồng…

Dù tốc độ bao phủ BHYT đang rất khả quan, song hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Đây là con số đầy thách thức trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam vẫn thừa nhận, nhiều người dân vẫn chưa tham gia BHYT với nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do khó khăn về kinh tế. Khó khăn này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào “bẫy” nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

 Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40%. Con số này đang phấn đấu giảm xuống còn dưới 30% vào năm 2025.

Không ít ý kiến cho rằng, chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế, đội ngũ y bác sĩ ở các tuyến xã, huyện còn thiếu, vì vậy không đủ sức thu hút người dân tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT. Đồng tình với quan điểm đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, hiện nay, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến Trung ương tương đối tốt và đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng điều cốt lõi khiến người dân chưa tin tưởng vào BHYT là từ tuyến huyện xuống tuyến xã có vấn đề, mới đáp ứng được yêu cầu là các bệnh tật rất đơn giản.

Thực tế cho thấy, Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã mở rộng về cơ chế tài chính, cung cấp đủ nguồn lực cơ bản để y tế xã, y tế huyện có thể đảm nhiệm được đúng chức năng nơi quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và người có thẻ BHYT nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay đang có một bất cập, đó là trạm y tế xã đang thực hiện rất nhiều những nhiệm vụ khác nhau, từ y tế dự phòng đến vệ sinh môi trường trong điều kiện nguồn nhân lực y tế tuyến xã chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Việc giải quyết thủ tục, giấy tờ khi thanh toán BHYT và thời gian đợi được giải quyết thanh toán khá lâu nhất là đối với những bệnh nhân chuyển tuyến, cũng phần nào làm giảm bớt sức hút của BHYT đối với người dân. Chia sẻ thêm về nội dung này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay đang tồn tại hai mẫu giấy chuyển viện có trong thông tư của Bộ Y tế, điều này đã tạo ra một số khó khăn cho phía người dân khi tham gia và sự lúng túng của cơ quan BHXH lẫn cơ sở khám, chữa bệnh khi giải quyết quyền lợi cho người dân. Ngành bảo hiểm đang phối hợp với Bộ Y tế để ban hành mẫu giấy chuyển tuyến thống nhất, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người bệnh.

Xây dựng gói BHYT nhiều mệnh giá

Để thu hút người dân tham gia BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo triển khai xây dựng các gói BHYT nhiều mệnh giá. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đang tiến hành, xây dựng những quy định, quy trình để kết nối liên thông giữa BHYT xã hội do BHXH Việt Nam được giao tổ chức thực hiện với BHYT thương mại do các doanh nghiệp y tế thực hiện. Với sự kết nối đó, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi tham gia BHYT.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, BHXH Việt Nam cần xây dựng các gói BHYT nhiều mệnh giá, bởi rất nhiều người dân mong muốn điều này, nhất là khi đã có đầy đủ điều kiện để chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Điều này không những giúp cân đối nguồn quỹ mà còn bảo đảm quyền lợi của người dân tham gia với mong muốn được chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, cần phải xây dựng một quy trình, quy định để ngoài việc xây dựng nhiều mệnh giá khác nhau sẽ có những gói quyền lợi tương ứng với mệnh giá đó. Điều khó nhất khi xây dựng mệnh giá là phải tính toán được số lượng người tham gia vào gói đó để bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Giải pháp trước mắt là nên liên thông kết nối với các BHYT thương mại như BHYT chỉ chuyên về chữa bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo…

Thảo Mộc