Tập huấn phân tích và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động

Phân tích sâu vấn đề dư luận quan tâm

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:29 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị Tập huấn phân tích chính sách và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động do Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử vừa tổ chức ở Nghệ An, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương nhấn mạnh: Bên cạnh hỗ trợ phân tích các chính sách liên quan đến người lao động, đây còn là dịp để các đại biểu dân cử tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất là những vấn đề dư luận dành nhiều sự quan tâm.

Ngăn ngừa tình trạng ‘‘lách luật’’

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được QH cho ý kiến bước đầu tại tại Kỳ họp thứ Bảy QH Khóa XIV vừa qua, với nhiều nội dung mới và khá toàn diện, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và người lao động. Trong chuyên đề Tổng quan nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động (2012) và kiến nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã giúp các đại biểu nhìn nhận rõ về phạm vi điều chỉnh; một số vấn đề về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động… Đơn cử, về tuổi nghỉ hưu ở Điều 170, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng bao nhiêu tuổi cho nam và nữ cũng như tăng trong ngành nghề, lĩnh vực nào cần phải tính toán cụ thể và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội, đặc biệt là phải tạo được sự đồng thuận của xã hội, nhất là người lao động trực tiếp sản xuất. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình để vừa giảm ‘‘sốc’’ trên thị trường lao động, vừa tránh hạn chế chỗ làm việc cho lao động trẻ bước vào tuổi lao động, đặc biệt lao động đã qua đào tạo nhưng vẫn tận dụng được nguồn nhân lực có sức khỏe, có nhu cầu và được cơ quan sử dụng lao động mong muốn ở lại làm việc, đóng góp vì có nhiều kinh nghiệm…


Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến Ảnh: Hải Phong

Hay liên quan đến việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về lao động, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Cần quy định biện pháp đổi mới quản lý và tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc nhận diện và quản lý các hình thức biểu hiện mới của quan hệ lao động, ngăn ngừa tình trạng ‘‘lách luật’’ nhằm trốn tránh nghĩa vụ của người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cũng từ góc độ lý luận và kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, trong chuyên đề Phân tích, đánh giá chính sách liên quan đến thời gian làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc của người lao động, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định về an toàn vệ sinh lao động. Trên thực tế, tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra, làm thiệt hại nghiêm trọng đến sinh mạng của người lao động, và tài sản của doanh nghiệp. Nguyên nhân do sự lơ là của người sử dụng lao động và người lao động; thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng…

Trao đổi tại hội nghị, đa số học viên bày tỏ đồng tình với quan điểm: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng về việc bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn lao động; tăng cường tuyên truyền đồng thời xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không chấp hành nội quy về an toàn vệ sinh lao động… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, nên tăng số ngày nghỉ trong năm của người Việt Nam lên 24 ngày/năm là phù hợp xu thế tiến bộ của xã hội…

Bảo đảm thực hiện quyền của người lao động

Liên quan đến chuyên đề Tổng quan một số vấn đề về quyền của người lao động, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho rằng: Pháp luật về bảo đảm quyền của người lao động có ở nhiều văn bản luật khác nhau, cụ thể nhất là tại Bộ luật Lao động 2012. Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động 2012 được xem là quy định nền tảng cho các chế định trong pháp luật lao động nhằm bảo đảm thực hiện quyền lao động. Cụ thể, bảo đảm việc làm cho người lao động; bảo đảm quyền được hưởng tiền lương công bằng, được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn vệ sinh lao động, nghỉ theo chế độ, nghỉ hàng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể; bảo đảm quyền thành lập, gia nhập công đoàn, yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bảo đảm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động…

Một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là Giải quyết tranh chấp lao động - đình công. Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ, TB - XH) Hà Đình Bốn, quá trình sửa đổi luật sắp tới, cần nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động thời gian qua ở các địa phương sửa đổi, bổ sung các quy định về tranh chấp lao động để bám sát thực tiễn tranh chấp lao động tập thể và đình công trong thời gian qua. Làm sao để khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công, tập thể lao động sẽ lựa chọn áp dụng các quy định pháp luật về quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

Theo phân tích của nhiều đại biểu, việc sửa đổi và bổ sung quy trình giải quyết tranh chấp có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, phải sửa đổi quy định, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo hướng mở rộng cơ hội để các bên có nhiều lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp lao động. Một số loại tranh chấp, nhất là tranh chấp liên quan đến quyền đã được quy định trong pháp luật có thể được chuyển đến tòa án giải quyết mà cần qua các khâu hòa giải, trọng tài… Loại ý kiến thứ hai, cũng tương tự như đối với các tranh chấp dân sự, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần giữ nguyên như hiện hành, thống nhất quy định nguyên tắc mọi tranh chấp lao động đều phải bắt buộc được giải quyết thông qua hòa giải trước khi các bên tranh chấp có thể tìm kiếm các phương thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài, tòa án…

Theo đó, Ban soạn thảo và Tổ biên tập lựa chọn theo loại ý kiến thứ nhất, quy định các bên có quyền lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp lao động khác nhau mà họ cho là phù hợp đối với các vụ tranh chấp của họ. Việc sửa đổi theo hướng này không làm giảm nhẹ vai trò của hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp lao động vì các bên vẫn có quyền yêu cầu hòa giải nếu họ muốn; đồng thời, góp phần khắc phục hạn chế về quy trình giải quyết tranh chấp lao động theo ‘‘một con đường độc đạo’’ của luật hiện hành mà các bên không thể thực hiện được trong suốt hơn 20 năm qua.

DIỆP ANH