Phân tích chính sách khi xây dựng luật: Phương pháp luận của phân tích chính sách

- Thứ Sáu, 09/05/2008, 00:00 - Chia sẻ
Ở nhiều nước, phương pháp luận của phân tích chính sách bao gồm các yếu tố sau:

      Trước hết, cần cân nhắc tính cần thiết của việc ban hành văn bản pháp luật. Bản thân pháp luật là một công cụ chính sách phức tạp, thể hiện chính sách của Chính phủ.  Việc sử dụng pháp luật để phản ứng về mặt chính sách trước những vấn đề đang xảy ra đã đặt gánh nặng chứng minh sự cần thiết của quy định mới lên vai chính phủ: Chính phủ phải chứng minh rằng, vấn đề đang xảy ra, cần giải quyết vấn đề đó, và quy định pháp luật mới sẽ giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả. Chỉ khi chứng minh được điều này bằng cách phân tích chính sách, đạo luật mới có thể ra đời. Nếu không, có thể dùng các biện pháp không phải là luật.
      Thứ hai, phân tích chính sách cần tính đến nguồn lực tài chính để thực thi chính sách, pháp luật. Cơ quan phân tích chính sách cần đánh giá xem, dự luật có phù hợp với điều kiện tài chính hiện có hay không, những nguồn bổ sung nào có thể huy động, trong giới hạn về tài chính đó, giải pháp nào là hiệu quả nhất. Cần rà soát các đề xuất lập pháp của với những ưu tiên trong chương trình nghị sự, loại bỏ những đề xuất nào không đem lại nhiều đóng góp cho những ưu tiên đó và tiết kiệm được chi phí đêè dành cho các đề xuất khác.
      Thứ ba, phân tích chính sách cần tiến hành một cách minh bạch, có sự tham vấn rộng rãi công chúng, các bộ ngành liên quan. Các dữ liệu, thông tin thu thập được cần được công bố rộng rãi, kịp thời. Quá trình phân tích chính sách cần được công khai, minh bạch. Công chúng, các uỷ ban của nghị viện có điều kiện tiếp cận các tài liệu phân tích chính sách. Bên cạnh đó, công dân phải có quyền bày tỏ ý kiến về những rủi ro do văn bản gây ra và ý kiến đó phải được tính đến trong quá trình phân tích chính sách. Cuối cùng, toà án cần có điều kiện để đảm bảo rằng, việc phân tích chính sách không vượt quá khuôn khổ đã được cho phép.
      Thứ tư, quá trình phân tích chính sách khi ban hành pháp luật cần có những yếu tố sau: Thực trạng các quy định pháp luật liên quan hiện hành, những vướng mắc chính của chúng trong việc giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra, những kết quả mà các quy định đó đã mang lại; Lý do tại sao phải ban hành quy định mới, các mục tiêu của chúng; Những kết quả dự tính do quy định mới sẽ mang lại (đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, chi phí và lợi ích tổng thể); Dự liệu việc thực thi, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, thời điểm bắt đầu, những công việc cần làm…; Những vấn đề có thể xuất hiện trong quá trình thực thi.
      Thứ năm, mỗi một chính sách được ban hành bao hàm trong nó các khía cạnh đã đuợc dự liệu từ trước như khía cạnh xã hội, kinh tế, pháp luật. Các khía cạnh này được cân nhắc để bảo đảm tác động thuận cho giải pháp tối ưu trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Khi ban hành pháp luật phải tính đến những tác động xã hội xấu có thể xảy ra đối với các đối tượng thi hành khác nhau như việc làm, di dân… 
      Cuối cùng, về mặt phương pháp luận, kinh nghiệm các nước cho thấy, cần coi đây là phương tiện hỗ trợ cho quá trình ban hành chính sách, chứ không phải là mục đích của nó. Muốn vậy, việc phân tích chính sách cần tập trung vào những vấn đề do các nhà hoạch định chính sách đã đề ra, chứ không phải vào những vấn đề do chuyên gia xác định. Không nên quá chú trọng đến phân tích kỹ thuật; cần nêu rõ những giá trị mà việc phân tích chính sách không thể bao trùm, những đối tượng cần chú trọng hơn, những biến thể trong hành vi của cá nhân, xã hội có thể xảy ra.

Nguyễn Lê