Phân tích chính sách khi xây dựng luật: Khám bệnh và kê đơn

- Thứ Sáu, 09/05/2008, 00:00 - Chia sẻ
Pháp luật ra đời từ cuộc sống, để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Thế nhưng, muốn giải quyết những vấn đề của cuộc sống, người làm luật buộc phải tìm hiểu xem đó là chuyện gì, giải quyết bằng cái gì, luật có phải là phương thức tốt nhất không?

      Giải quyết nó bằng luật như thế nào, ai giải quyết, kinh phí giải quyết... Tất cả những câu hỏi này chính là những khâu của công đoạn phân tích chính sách trong quá trình làm luật. Nói một cách hình tượng, có người ví phân tích chính sách trong làm luật như “khám bệnh” trước khi “kê đơn”, khám đúng bệnh mới kê đúng thuốc, đúng liều.
      Phân tích chính sách trong quá trình làm luật là công đoạn hữu cơ, gắn kết trong quá trình đó một cách khoa học, dựa trên các nhóm mục tiêu, cách tiếp cận, các tiêu chí đánh giá, nguồn lực và công cụ bảo đảm thực hiện, sự thống nhất tác động phối hợp của các chính sách khác và dựa trên hoàn cảnh thực tế của các đối tượng điều chỉnh của chính sách nhằm tới. Pháp luật là hình thức thể hiện của chính sách công, cho nên việc phân tích chính sách nhằm bảo đảm rằng, pháp luật được ban hành ra sẽ tuân thủ các nguyên tắc căn bản của việc thiết kế chính sách công như: Vì lợi ích công cộng; Bắt buộc thi hành; Có hệ thống; Tập hợp các quyết định; Có tính liên đới; Kế thừa lịch sử; Quyết định theo đa số. Tuy nhiên, ở đây có một câu hỏi đặt ra: Phân tích chính sách cần cho công đoạn trước khi lên nghị trình lập pháp hay phân tích chính sách sau khi đã lên nghị trình lập pháp, tức là phân tích chính sách đối với từng dự luật? Trên thực tế, phân tích chính sách cần cho cả hai công đoạn này, nhưng thông thường tập trung hơn vào phân tích chính sách đối với từng dự luật, vì lúc đó, phân tích chính sách mới thực sự được tiến hành một cách cụ thể, kỹ lưỡng hơn. Hơn nữa, vào được nghị trình không có nghĩa là vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết và trở thành giải pháp lập pháp mong muốn. Ở Mỹ, hàng chục yêu cầu về cải cách Luật Thuế thu nhập cá nhân đã vào nghị trình hơn 20 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
      Về lý thuyết, có thể phân biệt giữa chính sách và pháp luật, giữa hoạt động xây dựng chính sách và soạn thảo luật. Nói một cách đơn giản, chính sách là nội dung, còn văn bản luật là vỏ bọc chứa đựng chính sách đó dưới dạng ngôn ngữ và hình thức pháp lý. Xây dựng chính sách là quá trình quyết định điều gì cần đạt được, cần làm gì để đạt được điều đó, làm thế nào, ai làm... Ví dụ, sau khi có quyết sách thực thi những biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, việc xây dựng chính sách sẽ bao gồm phân tích những nguyên nhân gây tai nạn; phân Tỷ lệ tai nạn trên các loại đường, trong các tầng lớp dân cư, những quy định đang có hiệu lực, kinh nghiệm của các nước khác...Tiếp đó, có thể phát triển một số phương án giảm thiểu tai nạn như giảm tốc độ, thực thi tốt hơn các quy định hiện có, điều kiện cấp giấy phép ngặt nghèo hơn, tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời cần phân tích chi phí và lợi ích của từng phương án, trình các phương án để chính phủ quyết định. Tất cả những bước này là xây dựng chính sách. Sau khi đã quyết định lựa chọn phương án, có thể bắt đầu soạn thảo luật về phương án đó trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
      Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi không dễ phân biệt hai hoạt động này. Ví dụ, phương án hạn chế tốc độ sẽ phải xác định ai hạn chế và bằng cách nào. Nhưng việc xác định này nhiều khi không thể làm được nếu chưa thể hiện trên câu chữ, và người soạn thảo chưa thấy được tính pháp lý của chúng, chẳng hạn trên phương diện quyền tự do cơ bản của công dân. Cũng nhiều khi một văn bản pháp luật chứa đựng một chính sách mới có thể xung đột với các văn bản khác. Do đó, trước khi soạn thảo cần phân tích chính sách, nhưng không nhất thiết phải phân chia quá rạch ròi thành hai bước tiếp nhau. Việc phối hợp với các nhà soạn thảo ngay từ những bước đầu tiên của phân tích chính sách là cách làm hiệu quả để tránh sự mâu thuẫn với các quy định hiện hành.

Hoài Thu