Phân tích chính sách khi xây dựng luật: Đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật

- Thứ Sáu, 09/05/2008, 00:00 - Chia sẻ
Bên cạnh những công cụ phân tích chính sách khác như RIA, phân tích chi phí-lợi ích tổng thể, phân tích chi phí-hiệu quả, phân tích rủi ro, các nước đặc biệt chú ý đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

      Chi phí tuân thủ là gì?

      Chi phí tuân thủ gồm các chi phí hành chính, giấy tờ , mua sắm thiết bị. Đó cũng có thể là các chi phí khó nhận thấy như: chi phí liên quan đến việc nắm bắt các quy định mới (thuê kế toán, dịch vụ pháp lý, nghiên cứu, phần mềm); thuê nhân viên mới, tập huấn nhân viên cũ để đáp ứng yêu cầu của quy định mới; chi phí theo dõi việc thực thi quy định mới; chi phí do rủi ro phải chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm hành chính lớn hơn do quy định mới. Không bao gồm các chi phí trực tiếp như trả thuế, phí.

      Theo tính toán của OECD năm 1997, chi phí trực tiếp bỏ ra cho việc tuân thủ chính sách, pháp luật là từ 4%-12% của GDP, còn ở Mỹ, chi phí này là khoảng 500 tỷ USD/năm. Chi phí tuân thủ các biện pháp chính sách riêng lẻ có thể không lớn, nhưng tổng chi phí lại là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Những chi phí này nếu cao quá sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, tác động đến người tiêu dùng, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, và cuối cùng, khiến cho đối tượng điều chỉnh của chính sách không muốn tuân thủ các biện pháp, tức là không đạt được mục đích của chính sách. Nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít có điều kiện được lên tiếng trong quá trình hoạch định và ban hành chính sách, họ lại thường chịu chi phí tuân thủ chính sách cao hơn. Do đó, đánh giá chi phí tuân thủ để tìm cách giảm chi phí đó là việc làm hệ trọng. Tuy nhiên, quan trọng không kém là cần đặt chi phí tuân thủ trong phân tích chi phí-lợi ích tổng thể để làm sao lợi ích ròng đạt được là lớn nhất. Ví dụ, các quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn an toàn của xe ô tô gây ra những chi phí lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội, nhưng được coi là biện pháp cần thiết để đổi lại lợi ích là giữ gìn tính mạng của con người. 
      Hiện nay trong việc phân tích chi phí tuân thủ, công thức chi phí chuẩn (Standard Cost Model- SCM) của Hà Lan được áp dụng rộng rãi ở châu Âu, Australia và New Zealand. Mô hình này nhằm định danh, định tính và định lượng những chi phí mà doanh nghiệp phải chi để thực thi quy định pháp luật. Từ đó, loại bỏ những chi phí không cần thiết, giảm nhẹ gánh nặng thực thi cho doanh nghiệp. Mục đích ban đầu là phục vụ các cơ quan chính phủ, nhưng ở Australia, doanh nghiệp cũng sử dụng mô hình này để tự tính toán chi phí tuân thủ của mình. Do đó, Văn phòng Doanh nghiệp nhỏ thuộc Bộ Công nghiệp, Du lịch và Tài nguyên của Australia đã quyết định đơn giản hoá mô hình của Hà Lan để sử dụng rộng rãi hơn. Vào tháng 4.2006, Chính phủ Australia chính thức bắt buộc sử dụng SCM đối với tất cả các dự thảo chính sách, pháp luật trình lên Nội các. 
      Ở New Zealand, cơ quan ban hành chính sách và pháp luật, dù đó là luật hay dưới luật, đều phải tiến hành đánh giá chi phí tuân thủ của khối doanh nghiệp để làm sao chi phí đó càng thấp càng tốt. Chẳng hạn, theo tính toán, để phát hành cổ phiếu ra công chúng, công ty phát hành phải chịu những chi phí tuân thủ như chi phí để đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ của Luật Chứng khoán 1978 và Bộ quy tắc chứng khoán 1983; Nộp bản cáo bạch để đăng ký ở Cơ quan đăng ký Công ty (Registrar of Companies) và trả lệ phí; Nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu.

Minh Thy