Điều kiện cần và đủ cho đào tạo nghề:

Phân luồng, dạy văn hóa trong trường nghề và liên thông

- Thứ Hai, 20/05/2019, 21:40 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mở ra nhiều cơ chế, đổi mới cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có 3 đề xuất quan trọng: Đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp, dạy văn hóa trong trường nghề và liên thông. Cả 3 nội dung này được đưa vào Dự thảo Luật một cách hợp lý, bảo đảm việc xây dựng hệ thống giáo dục mở gắn với học tập suốt đời và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Băn khoăn… chất lượng

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ, có như thế mới mong tìm được người tài, người giỏi.

Ủng hộ việc cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp. Song, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan khiến nhiều ĐBQH băn khoăn.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) cho hay, qua giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho thấy, lĩnh vực này đang tồn tại rất nhiều vấn đề: Một thời gian dài xã hội quan niệm, chỉ học sinh học dở mới đi học nghề; dự báo nguồn nhân lực kém; trang thiết bị trường nghề lạc hậu, chỉ cung cấp nghề mình có, không cung cấp nghề xã hội đang cần. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cho rằng, khi đời sống tốt hơn, tại sao Nhà nước không khuyến khích các em học hết cấp 3 để nâng cao trình độ dân trí, mà lại vận động các em học hết cấp 2 đi học nghề… Cùng với đó, tâm lý tuyển dụng vào bất cứ vị trí nào cũng yêu cầu trình độ đại học, dù nhiều vị trí việc làm chỉ cần trình độ trung cấp vẫn phổ biến.

Vẫn biết, trong chương trình khung đào tạo quốc gia đã quy định rõ khối lượng kiến thức cần học là bao nhiêu thì mới đủ điều kiện để được công nhận trình độ văn hóa; nhưng việc “mở” cả về điều kiện công nhận bằng cấp, thời gian, khối lượng kiến thức văn hóa… song song với học nghề, sau đó vẫn có thể liên thông lên đại học… như quy định trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) liệu có bảo đảm chất lượng nhân lực.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Lê Tuấn Tứ (Khánh Hòa) dẫn chứng thêm, trước đây, học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp phải 3 năm; còn tốt nghiệp THPT thì mất 2 năm mà đa phần các em ra trường đều phải đào tạo thêm. Hơn nữa, Dự thảo Luật đề ra mục tiêu giáo dục THCS là “nhằm củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật, hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc theo học GDNN”. Về nội dung, phương pháp, “giáo dục phổ thông phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ…; có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp”.

Bên cạnh đó, cần xem xét và quy định rõ việc xác nhận trình độ và cấp bằng tại Điều 35 Dự thảo Luật cũng như tính toán đến độ tương thích với các quy định trong các luật khác. Chẳng hạn, theo Bộ luật Lao động, trẻ em dưới 18 tuổi khi tham gia lao động phải có chế độ đặc biệt, có nghĩa doanh nghiệp phải lập danh sách riêng, các em chỉ lao động 4 tiếng/ngày. Trong khi, học sinh tốt nghiệp THCS, học cao đẳng nghề, ra trường mới chỉ 16 tuổi.


Giờ thực hành nghề Mộc của học sinh trường TC nghề Thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam - Ảnh: Đức Kiên

Đẩy mạnh liên thông trong giáo dục

Để phân luồng thành công, các quốc gia thường tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Thể chế, luật hoá những nội dung liên quan về phân luồng, hướng nghiệp với cơ chế chính sách cụ thể; nâng cao nhận thức; tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ. Nhờ đó, tỷ lệ các em sau trung học vào học nghề bình quân khoảng 50%, nhiều nước khoảng 65 - 70%;  ở châu Á như Indonesia và Trung Quốc có năm tỷ lệ học sinh vào học nghề đã tăng lên 43%; thậm chí Đài Loan, Singapore thu hút được 65 - 70% học sinh phổ thông vào học nghề.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng

Trước hết phải khẳng định, đào tạo cao đẳng hay đào tạo theo 9+ đều lấy thực hành làm trọng tâm; từ đó giúp người học gia nhập thị trường lao động sớm nhất có thể, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vừa bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn nhân lực cho thị trường. Do đó, chất lượng phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu và đây cũng là điều quyết định sự sống còn của các trường nghề hiện nay.

Tuy nhiên, muốn thu hút người học vào hệ này, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, việc luật hóa phân luồng học sinh là cần thiết để một mặt tạo cơ hội cho người học được học tập suốt đời, mặt khác nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh tốt nghiệp lớp 9. Cụ thể, trong luật sẽ quy định rõ về quyền và các điều kiện học liên thông giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học. Việc liên thông được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế: Người học tích lũy đủ tín chỉ cần thiết thì được tiếp nhận học liên thông lên bậc học cao hơn cùng với sinh viên chính quy và được cấp bằng chính quy khi đủ điều kiện. Có như vậy mới thu hút được học sinh vào học nghề.

Hiện nay, khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành đã quy định rõ, trình độ đại học phải bảo đảm 125 tín chỉ; cao đẳng là 60 - 90 tín chỉ. Trình độ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS phải bảo đảm 50 chứng chỉ; học sinh tốt nghiệp THPT 35 tín chỉ. Như vậy giữa hai đối tượng này có độ chênh là 15 tín chỉ. Theo đó, các em muốn học cao đẳng, nhà trường phải xây dựng chương trình; thông báo rõ cho học sinh học hết THCS sẽ được liên thông một mạch đến cao đẳng theo chương trình đào tạo đáp ứng tín chỉ, kết hợp với các môn văn hóa bắt buộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, chương trình đào tạo khoảng 4 - 5 năm. Tuy nhiên, các em có quyền dừng lại ở bậc trung cấp nếu muốn.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Lê Quân, các chương trình đào tạo theo chương trình 9+ cũng phải được đổi mới, cho phép các em tốt nghiệp THCS được theo học trình độ cao đẳng tại các trường cao đẳng với thời gian từ 3 - 5 năm tùy từng nghề, được thiết kế bài bản kết hợp cả đào tạo văn hóa và kỹ năng nghề. chương trình đào tạo theo chương trình 9+ cũng phải được đổi mới, cho phép các em tốt nghiệp THCS được theo học trình độ CĐ tại các trường CĐ với thời gian từ 3 đến 5 năm tùy từng nghề, được thiết kế bài bản kết hợp cả đào tạo văn hóa và kỹ năng nghề.

Bình Nhi