Phần lớn doanh nghiệp nhà nước sai sót trong hạch toán kế toán

- Thứ Bảy, 06/07/2019, 07:27 - Chia sẻ
Hầu hết dự án BOT, BT thực hiện chỉ định thầu; giao đất chỉ định cho nhà đầu tư trái với quy định của Luật Đất đai; phần lớn tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) sai sót trong hạch toán kế toán... Đây là kết luận được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra tại cuộc họp báo Công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017, tổ chức chiều qua, 5.7.

Giảm thời gian thu phí hoàn vốn 7/8 dự án BOT

Trả lời câu hỏi của PV Báo Đại biểu Nhân dân liên quan kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2018, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, chỉ tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính của EVN và chỉ ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan giá thành toàn bộ chứ không riêng về giá điện.

Ông Tiên cũng xác nhận, việc kiểm toán giá điện đã được KTNN thực hiện năm 2016 theo yêu cầu kiểm toán chuyên ngành về xác định giá điện giai đoạn 2014 - 2016 của Chính phủ, công bố kết quả vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. “Tới đây, nếu Chính phủ có yêu cầu KTNN tiến hành kiểm toán giá điện thì chúng tôi sẽ sẵn sàng khảo sát, thu thập”, ông Tiên nói.

Báo cáo của KTNN nêu rõ, kết quả kiểm toán đối với 8 dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong năm 2018 cho thấy, “hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...”. Theo đó, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Đối với 7 dự án BT, KTNN xác định: Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính. Đặc biệt, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn. Việc thương thảo, ký hợp đồng chưa bảo đảm quy định (chẳng hạn dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, Hà Nội), điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ; đặc biệt có hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát NSNN 282,92 tỷ đồng (Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1). Ngoài ra, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai...


Toàn cảnh họp báo Ảnh: Đan Thanh

Tiềm ẩn nguy cơ mất vốn do PVN đầu tư ra nước ngoài

Năm 2018, KTNN đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Kết quả cho thấy, 30/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, có tỷ suất lợi nhuận và thu nhập bình quân của người lao động cao. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người cao nhất là tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 37,8 triệu đồng/tháng; tiếp đến là Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Công ty Hoa tiêu I) là 34,2 triệu đồng/tháng…

Tuy nhiên, theo KTNN, bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn các đơn vị này còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước hơn 10.800 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc không hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể; nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty không đúng quy định, thua lỗ; trong đó hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.

Lý giải việc có những sai sót trong kê khai thuế đối với các DNNN, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng, theo quy định của Luật Quản lý thuế mới, người dân, doanh nghiệp tự kê khai và tự nộp, còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thanh kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Do vậy, việc có những sai sót trong kê khai nghĩa vụ thuế bởi người nộp thuế và các đơn vị chưa tự giác. Thêm vào đó, căn cứ, cơ sở tính thuế chưa đầy đủ, cơ chế chính sách chưa đồng bộ; cơ quan quản lý không thể thanh tra, kiểm tra hết được. “Trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị và đối tượng nộp thuế”, ông Tiên nhấn mạnh.

Kiến nghị xử lý hơn 92.000 tỷ đồng

Tại họp báo, đại diện KTNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2017 là xấp xỉ 92.499 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.

KTNN cũng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 như: Thu cân đối ngân sách nhà nước 1.683.045 tỷ đồng; chi cân đối ngân sách nhà nước 1.681.414 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện. Đồng thời, ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, trong đó hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 160 văn bản (gồm 4 luật, 11 nghị định, 29 thông tư, 15 nghị quyết, 47 quyết định, 54 văn bản khác).

Liên quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn từ 8.700 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng, chậm tiến độ, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Trần Hải Đông, kiêm Trưởng đoàn kiểm toán dự án, cho biết: “Việc dự án đội vốn có nhiều nguyên nhân, như trong quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh phương án kỹ thuật để lựa chọn; bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ kéo dài dẫn đến chi phí nhân công và vật liệu tăng cao; trong quá trình lập, phê duyệt tổng mức đầu tư, khi tăng tổng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng chưa báo cáo Thủ tướng để xin chủ trương của Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư công; khi phân tích tính kinh tế của dự án thì chủ đầu tư chưa xem xét đến chi phí vận hành dẫn đến đánh giá mặt hiệu quả kinh tế không chính xác…

Về tiến độ dự án chậm do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam nên cơ quan có thẩm quyền mất thời gian nghiên cứu để ban hành chính sách áp dụng; tiến độ bàn giao mặt bằng chậm; quy định hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc khác biệt nên thời gian thiết kế, thẩm tra, thẩm định phê duyệt nhiều lần; công tác chọn nhà thầu cung cấp đoàn tàu còn chậm…

Đan Thanh