Phần Lan: Thủ tục đặc biệt cho những dự luật quan trọng

- Thứ Sáu, 02/03/2007, 00:00 - Chia sẻ
Thông thường một dự luật phải trải qua hai lần đọc tại phiên họp toàn thể của Nghị viện và được thông qua với đa số giản đơn. Tuy nhiên, Luật Hiến pháp và Luật Tài chính lại được tiến hành theo những thủ tục đặc biệt.

      Sáng quyền lập pháp rộng rãi
      Ở Phần Lan, ngoài các nghị sỹ và Chính phủ, Ủy ban Tài chính có quyền đưa ra sáng kiến về các luật thuế chỉ có hiệu lực trong vòng một năm. Bên cạnh đó, Ủy ban Ngân hàng có quyền đề xuất sửa đổi Luật Ngân hàng và Giáo hội Tin lành Luther có quyền đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật Giáo hội. Phần Lan là một trong những nước mà nghị sỹ tham gia rất tích cực vào sáng quyền lập pháp. Mỗi năm, Chính phủ trình Nghị viện từ 220-300 dự luật và các nghị sỹ trình từ 150-200 dự luật. Tuy nhiên, phần lớn những dự luật có thể trở thành luật lại do Chính phủ đề xuất.
      Việc xem xét một dự luật được bắt đầu bằng cuộc thảo luận về nội dung khái quát tại phiên họp toàn thể. Ở giai đoạn này, các nghị sỹ chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về nội dung của dự luật. Mục tiêu của cuộc thảo luận này là nhằm cung cấp những thông tin cơ bản cho công việc của ủy ban. Sau cuộc thảo luận mang tính định hướng trên, dự luật sẽ được chuyển cho các ủy ban.
      Sau khi xem xét tại ủy ban, dự luật sẽ quay trở lại phiên họp toàn thể và được thảo luận theo hai bước. Ở lần đọc thứ nhất, đối với những dự luật quan trọng, Chủ tịch ủy ban sẽ đọc báo cáo thẩm tra. Sau đó, toàn thể nghị sỹ tiến hành thảo luận chung về dự luật và thảo luận từng điều khoản. Ở giai đoạn này, các nghị sỹ đối lập có thể đưa ra yêu cầu sửa đổi và Nghị viện sẽ phải gửi dự luật trở lại Ủy ban Toàn viện để xem xét. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
      Lần đọc thứ hai có thể bắt đầu sau đó 3 ngày. Ở giai đoạn này, các nghị sỹ chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ toàn bộ dự luật mà không có quyền sửa đổi.
      Phần lớn các dự luật sẽ mất thời gian từ 2-4 tháng để trở thành luật nhưng những dự luật quan trọng, phức tạp, có thể mất hàng năm. Những dự luật không được xem xét trước khi khóa lập pháp của Nghị viện kết thúc sẽ nghiễm nhiên bị coi là vô hiệu.
      Nét đặc trưng của Luật Hiến pháp và Luật Tài chính
      Các dự luật được thông qua với đa số giản đơn. Riêng Hiến pháp thì cần phải được thông qua tại phiên họp toàn thể của hai khóa Nghị viện liên tiếp. Tại khóa đầu tiên, dự thảo Hiến pháp chỉ cần thông qua với đa số giản đơn, tại khóa tiếp theo, dự thảo phải được thông qua với đa số 2/3. Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp có thể không phải chờ đến khóa họp mới nếu tại lần thông qua đầu tiên, nó được tuyên bố là khẩn cấp với 5/6 số phiếu.
      Bên cạnh chức năng lập pháp, việc thông qua ngân sách nhà nước cũng là công việc đặc thù của Nghị viện. Chu trình ngân sách thường diễn ra vào giữa khóa họp mùa thu tức là vào tháng 9. Đây được coi là một trong những cuộc thảo luận Nghị viện quan trọng nhất trong năm. Sau cuộc thảo luận mang tính định hướng tại phiên họp toàn thể, dự luật Tài chính được chuyển cho Ủy ban Tài chính.
      Khác với các dự luật khác thường phải trải qua hai lần trình tại phiên họp toàn thể, riêng Luật Tài chính chỉ tiến hành trong một lần duy nhất nhưng mỗi điều khoản được thảo luận đặc biệt kỹ lưỡng. Tất cả các đề xuất sửa đổi của nghị sỹ sẽ ngay lập tức được tiến hành biểu quyết. Nếu được thông qua với đa số giản đơn, điều khoản đó sẽ bị sửa đổi. Việc xem xét dự Luật Tài chính tại phiên họp toàn thể có thể kéo dài trong nhiều ngày và trải qua hàng trăm cuộc biểu quyết.
      Dự luật sau khi thông qua sẽ được Tổng thống phê chuẩn và xuất bản ở tập luật chính thức. Luật có hiệu lực kể từ khi được xuất bản. Ngoài ra, Tổng thống có thể xác định ngày có hiệu lực của Luật. Trong thời hạn 3 tuần kể từ khi được thông báo cho Tổng thống, nếu không được Tổng thống ký phê chuẩn thì Luật nghiễm nhiên được coi là có hiệu lực.

Quốc Đạt