Dự án Luật Biên phòng Việt Nam:

Phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh

- Thứ Tư, 25/03/2020, 11:23 - Chia sẻ
Sáng 25.3, tiếp tục phiên họp thứ 43, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Ban hành Luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Trình bày Tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia”. 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm mới chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng. Thực tế cũng cho thấy, việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Do đó, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết. 

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Quy định cho được các chủ trương, chính sách lớn về công tác biên phòng

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới, đặc biệt khi nước ta là quốc gia có đường biên giới trải dài trên đất liền. 

Mặc dù vậy, để thuyết phục hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần nghiên cứu và bổ sung thêm 2 lý do. Một là, xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng của biên giới quốc gia và nhiệm vụ đặt ra là xây dựng biên giới quốc gia. Đây là vấn đề chiến lược quan trọng, lâu dài trong dựng nước và giữ nước cần được tiếp tục xây dựng và củng cố. Hai là, xuất phát từ yêu cầu xây dựng lực lượng biên phòng vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia. 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự luật; tính thống nhất của dự luật với các luật có liên quan; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với lực lượng bộ đội biên phòng...  

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị dự án Luật, hồ sơ trình đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã chủ động, chặt chẽ trong thẩm tra sơ bộ dự án luật. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng dự án Luật có điểm thuận lợi là có các Nghị quyết, chiến lược của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, có các quy định của Luật Biên giới quốc gia, các luật liên quan và quá trình 23 năm triển khai Pháp lệnh Bộ đội biên phòng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một yêu cầu rất lớn là phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ để thể chế hóa, quy định cho được các chủ trương, chính sách lớn về công tác, nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.


Toàn cảnh Phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề lớn, quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của Luật nên phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Nội dung này được nhiều ý kiến quan tâm và còn có quan điểm khác nhau. 

Việc xây dựng dự án Luật với tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam và mở rộng phạm vi điều chỉnh (so với Pháp lệnh Bộ đội biên phòng) là phù hợp với tên gọi được nêu trong Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và tên trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, với tên gọi và phạm vi điều chỉnh như đã xác định thì dự thảo Luật cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một vấn đề cần lưu ý là: công tác biên phòng là một bộ phận trong công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia - nhiệm vụ có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau tại khu vực biên giới và được quy định ở nhiều đạo luật liên quan. Đặc biệt, Luật Biên giới quốc gia trong phạm vi điều chỉnh và nội dung đã có hẳn 1 chương quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới, Chính phủ cũng đã ban hành một nghị định về vấn đề này. Nhắc lại băn khoăn của một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sẽ có sự trùng lắp về phạm vi điều chỉnh giữa dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, phải rà soát thật kỹ, đánh giá đầy đủ các quy định hiện hành về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới để phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của Luật Biên phòng Việt Nam với Luật Biên giới quốc gia và các Luật khác. 

Từ phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay, rà soát sơ bộ cho thấy dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam liên quan đến khoảng 10 Luật khác nên phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan.

+ Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét về số lượng Thứ trưởng Bộ Công an theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.

Trung Thành