HĐND tỉnh Lào Cai giám sát việc quản lý, mua sắm trang thiết bị y tế

Phải xuất phát từ nhu cầu và năng lực khai thác

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:42 - Chia sẻ
UBND tỉnh cần chỉ đạo đánh giá thực trạng quy mô mạng lưới ngành y tế để có kế hoạch đầu tư đồng bộ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phù hợp, hiệu quả trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, việc đề xuất đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và năng lực khai thác của từng đơn vị cụ thể…

Đó là những nội dung được HĐND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh qua giám sát chuyên đề việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2019.

Chưa phù hợp với năng lực vận hành, khai thác

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, trong 3 năm (từ 2017 - 2019), công tác mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn được thực hiện theo quy định của pháp luật; các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật theo phân cấp, nhiều kỹ thuật vượt tuyến đã được triển khai, góp phần cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm thiểu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Lào Cai kiểm tra trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.
Ảnh: Phương Trần

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ bản các cơ sở y tế còn thiếu trang thiết bị chuyên sâu, hiện đại phục vụ cho triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao; một số thiết bị được trang sắm từ những năm trước đã có hiện tượng xuống cấp, đặc biệt một số máy móc, thiết bị hiện đại tại các bệnh viện thường xuyên hỏng. Thực hiện mua sắm, đấu thầu trang thiết bị còn gặp khó khăn. Việc xác định nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế cũng như lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đáng chú ý, việc xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị ở một số đơn vị chưa phù hợp với năng lực vận hành, khai thác của đội ngũ cán bộ dẫn đến tình trạng thiết bị sau đầu tư đưa vào sử dụng một số cơ sở không phát huy hiệu quả; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trang thiết bị diễn ra ở một số đơn vị; công tác quản lý, rà soát, điều chuyển trang thiết bị giữa nơi thừa và nơi thiếu còn bất cập, chưa kịp thời, dẫn đến một số máy móc không bảo đảm về chất lượng, chủng loại, lỗi, hỏng trong thời gian bảo hành, thậm chí đầu tư xong không sử dụng gây lãng phí. Một số trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực phường danh mục trang thiết bị được đầu tư không phát huy hiệu quả, trong khi các trạm y tế xã rất cần trang thiết bị tối thiểu nhưng chưa được đầu tư. Việc đầu tư, quản lý hệ thống xử lý rác thải cũng còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, cán bộ trực tiếp quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế năng lực, trình độ chưa đủ để khai thác hết công năng sử dụng. Một số bệnh viện, phòng khám mất cân đối về cơ cấu bác sỹ. Việc đưa bác sỹ về cơ sở (theo Đề án 1816) chỉ phù hợp với các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế thuộc các xã vùng cao, không phù hợp với trạm y tế phường…

Bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả trong sử dụng

Bên cạnh kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành, Trung ương những nội dung liên quan, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá thực trạng quy mô mạng lưới ngành y tế để có kế hoạch đầu tư đồng bộ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phù hợp, hiệu quả trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, quan tâm sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám khu vực) để sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước đầu tư và phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nghiên cứu giải pháp hữu hiệu trong việc đề xuất đầu tư mua sắm, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và năng lực khai thác của từng đơn vị cụ thể.

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đã được trang cấp từ tuyến tỉnh đến cơ sở để có biện pháp, giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế. Chỉ đạo thực hiện điều chuyển trang thiết bị bảo đảm tính hợp lý và hiệu quả trong sử dụng, thanh lý trang thiết bị đã xuống cấp, hỏng không thể sử dụng, đối với trang thiết bị sau đầu tư nhưng không sử dụng đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể. Cùng với đó, sớm ban hành quy định về định mức tài sản chuyên dùng trong lĩnh vực y tế theo Thông tư số 08/2012/TT-BYT để làm cơ sở quản lý, thẩm định danh mục mua sắm tài sản của các đơn vị ngành y tế; hoàn thiện Đề án sử dụng tài sản công vào các mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị y tế công lập, bảo đảm khai thác tài sản đầu tư hiệu quả, chất lượng và đúng quy định, có các biện pháp để quản lý thống nhất đối với việc mua sắm vật tư, hóa chất y tế.

Một vấn đề Đoàn giám sát nhấn mạnh nữa là cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc tại các cơ sở y tế công lập; kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm trong quản lý trang thiết bị, thuốc vật tư y tế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả và công suất sử dụng trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, giải quyết dứt điểm các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý kỷ luật nghiêm nếu có sai phạm…

Mai Phương