Ngành da giày trước cơ hội từ CPTPP

Phải xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường

- Thứ Hai, 10/12/2018, 09:21 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, cùng với dệt may, da giày là ngành được lợi nhiều nhất khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn tâm lý thụ động. Đây là một trong những trở lực lớn cần nhanh chóng khắc phục, bởi chỉ còn hơn một tháng nữa, Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với nước ta (từ ngày 14.1.2019).

“Tính chủ động rất hạn chế”

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng qua, xuất khẩu giày dép các loại của cả nước đạt 13,12 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này sang một số nước tham gia CPTPP đều tăng, như Nhật Bản đạt 773 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tại thị trường Australia, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong 8 tháng tính từ đầu năm nay đạt gần 156 triệu USD, tăng 6,98%; tại Canada đạt hơn 218 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ…


Doanh nghiệp da giày cần xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường để tận dụng cơ hội từ CPTPP  
Nguồn: Báo Bình Dương

Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực (từ ngày 30.12.2018 với 6 nước đã phê chuẩn, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia; từ ngày 14.1.2019 đối với Việt Nam), các chuyên gia nhận định, ngành da giày đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu do ưu đãi về thuế quan. Theo đó, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 95 - 98% dòng thuế được xóa bỏ; các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đặc biệt, Canada sẽ áp thuế nhập khẩu 0% cho cả da giày và túi xách ngay lập tức, không cần lộ trình, trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của da giày Việt Nam.

Bên cạnh các cơ hội, CPTPP cũng mang đến nhiều thách thức, trong đó có yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ. Song, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân xác nhận, điều này đang dần được khắc phục. Theo đó, trong các khâu sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất, thiết kế, logistics, phân phối, doanh nghiệp trong nước đang làm tốt nhất ở khâu sản xuất vì chi phí nhân công tốt, có lợi thế cạnh tranh nhưng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Do vậy, để gia tăng giá trị cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp đã đầu tư phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện tỷ trọng nguyên phụ liệu của Việt Nam đã chiếm 55%, giảm dần nhập khẩu. Điều này góp phần không nhỏ để Việt Nam đàm phán các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp trong ngành da giày sẽ tận dụng cơ hội từ CPTPP thế nào lại khiến chính những người trong cuộc chưa yên tâm. Bà Xuân thừa nhận, “ngành da giày gia công xuất khẩu nên tính chủ động rất hạn chế”. Nguyên nhân bởi lâu nay, khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp đặt hàng. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp thiếu đi tầm nhìn định hướng trong việc tận dụng cơ hội từ CPTPP, chẳng hạn trong 5 - 10 năm tới, doanh nghiệp sẽ đạt được những gì?

Đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ xuất khẩu

Trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa, CPTPP chính thức có hiệu lực. Do đó, theo các chuyên gia, để tận dụng cơ hội, về phía doanh nghiệp cần tăng tính chủ động. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược trong tiếp cận thị trường, xác định vị trí của mình đang ở đâu, còn thiếu điều gì, các điều kiện tham gia các thị trường trong CPTPP thế nào?

Các chuyên gia cũng chỉ ra, khi tham gia thị trường quốc tế, nếu doanh nghiệp làm sai sẽ ảnh hưởng tới cả ngành hàng của đất nước. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thị trường. Chẳng hạn, đối với khâu thiết kế sản phẩm, trước đây đa phần mẫu mã đều do khách hàng mang đến. Trong bối cảnh tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với những công nghệ mới, nhiều nghiên cứu phát triển sản phẩm vật liệu mới, bài toán đặt ra với doanh nghiệp trong ngành là phải cạnh tranh khốc liệt để tranh giành khách hàng quốc tế. Muốn vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, bởi chỉ khi mẫu mã được khách hàng tiếp nhận sẽ giúp chúng ta ăn sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực nguồn nhân lực cũng như quy mô gia nhập thị trường. Đặc biệt, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cần tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành - điều vốn được cho là khâu yếu của doanh nghiệp nước ta lâu nay.

Tuy nhiên, nếu chỉ doanh nghiệp trong ngành da giày nỗ lực là chưa đủ, mà cần sự đồng hành từ phía Nhà nước. Bởi dù “miếng bánh” xuất khẩu mở rộng mà cơ sở hạ tầng, logistics không bảo đảm sẽ không thể tận dụng được. Do vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin chính thống cho doanh nghiệp làm căn cứ xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo sân chơi thực sự bình đẳng để các doanh nghiệp không chịu cảnh lép vế trên chính “sân nhà”.

Đan Thanh