Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Phải tìm được điểm cân bằng

- Thứ Năm, 15/08/2019, 07:02 - Chia sẻ
Tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thật từ cả hai phía - người sử dụng lao động và người lao động - nhưng cho ý kiến về việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ một năm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều Ủy viên UBTVQH nói thẳng “không đồng ý” bởi phân tích cặn kẽ sẽ thấy, phương án này đem lại lợi ích nhiều hơn cho giới chủ trong khi sẽ để lại những hệ lụy lâu dài đối với người lao động. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phải tìm được điểm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự phát triển cũng như tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thời điểm này chưa phải lúc tăng thu nhập, giảm giờ làm?

Bộ luật Lao động nếu sửa đổi theo phương hướng này sẽ là một bước tiến đột phá trong hệ thống pháp luật về lao động của nước ta, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét về các nội dung dự kiến tiếp thu chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động. Dù vậy, một số đề xuất, theo ông Lộc, đã “thoát ly tình hình thực tế của nền kinh tế, các doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay và dường như không cập nhật được những diễn biến mới nhất của nền kinh tế trong vòng 1 năm qua”. Cụ thể là, đề xuất không tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm như phương án Chính phủ trình; tính tiền lương làm thêm theo phương pháp lũy tiến theo giờ hay giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần...

Ông Lộc nhiều lần nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đòi hỏi cả người lao động và doanh nghiệp phải đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua khó khăn trong thời gian tới. Đây chưa phải lúc chúng ta có thể tăng cao được thu nhập, giảm giờ làm. Khi nền kinh tế trở lại một giai đoạn phát triển tốt hơn, chúng ta sẽ đưa ra những mục tiêu này. Thời gian này, chúng ta thậm chí còn phải lao động cật lực hơn để xây dựng đất nước và phát triển doanh nghiệp.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

“Mới đứng về phía chủ chứ chưa đứng về phía thợ”

 Giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong của Đảng ta, đất nước ta. Chúng ta không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà phải tạo điều kiện cho người lao động được phát triển, nâng cao trình độ phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu chúng ta trả tất cả những vấn đề này cho thị trường thì có đúng hay không? Đổ hết trách nhiệm này cho thị trường thì có đúng hay không? Thực tiễn thị trường lao động cho thấy, người lao động luôn ở thế yếu, vì vậy mới cần vai trò của Nhà nước, cần có Bộ luật Lao động để quy định một hành lang pháp lý trong quan hệ lao động. Do vậy, tôi đề nghị, chúng ta đánh giá sâu hơn nữa về nguyên nhân, về công tác quản lý, trong này chưa nói gì về nguyên nhân thuộc công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra cũng như những quy định về cơ chế trả lương, chế độ tiền lương làm sao để người sử dụng lao động và người lao động thương lượng được tốt, có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chia sẻ với những lo lắng của Chủ tịch VCCI, song Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói thẳng, “anh Lộc mới đứng về phía chủ chứ chưa đứng về phía thợ. Quan điểm cũng chưa đúng”.

Chủ tịch QH nêu rõ, tăng giờ làm thêm là vấn đề luôn được đặt ra kể từ khi sửa đổi Bộ luật Lao động lần đầu vào năm 2002. Đó là thời kỳ chúng ta bắt đầu mở cửa thị trường và hội nhập, thậm chí là còn “trải thảm đỏ để thu hút đầu tư”. Khi đó, đa số doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng gia công cho các doanh nghiệp đa quốc gia nên có nhiều đơn hàng rất lớn, yêu cầu phải sử dụng lao động rất nhiều. Thời điểm đó, thu nhập của người lao động rất thấp. Trong quá trình thảo luận, các cơ quan cũng đã tranh luận khá nhiều, thậm chí là gay gắt, đặc biệt là giữa giới chủ mà đại diện là VCCI và giới thợ mà đại diện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. QH cũng đã bàn rất kỹ và đi đến thống nhất: Thời giờ làm thêm vẫn giữ nguyên như Bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt thì tối đa không quá 300 giờ/năm và chỉ áp dụng đối với các ngành nghề, lĩnh vực do Chính phủ quy định, không thực hiện đồng loạt. Khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, vấn đề này tiếp tục gây tranh luận khá gay gắt. Doanh nghiệp thì gây sức ép rất lớn, đề nghị tăng lên 300 - 400 giờ, thậm chí 500 giờ, 600 giờ làm thêm một năm. Có nơi hiệp hội ngành nghề còn đề nghị tăng lên 700 giờ, 800 giờ một năm, tức là, so với mức Chính phủ trình QH thì họ còn đòi tăng lên gấp nhiều lần. Chính phủ, QH đã thảo luận rất nhiều lần, Ủy ban thẩm tra cũng cương quyết trong vấn đề giữ thời giờ làm thêm, bình thường vẫn là 200 giờ một năm và trong trường hợp đặc biệt mức tối đa cũng không được quá 300 giờ như hiện nay.

Đồng ý việc tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thật từ cả hai phía người sử dụng lao động và người lao động, song Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, nếu phân tích, đánh giá kỹ thì nhu cầu này sẽ làm lợi cho giới chủ nhiều hơn. Cụ thể, nếu tăng giờ làm tối đa thì giảm chi phí cho giới chủ không phải tuyển thêm lao động mới, giảm chi phí mua bảo hiểm xã hội, giảm chi phí sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế như vừa qua sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để khai thác sức lao động dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi. “Với những phân tích như vậy, việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, với tư cách là Ủy viên UBTVQH thì tôi không đồng tình”, bà Hải khẳng định.

Ở góc độ khác, Chủ tịch QH nêu rõ, phải nhìn thẳng vào vấn đề người lao động làm thêm giờ có thực sự hưởng lương làm thêm giờ như các quy định của Bộ luật Lao động hay không? Đa số doanh nghiệp hiện nay trả lương cho người lao động là theo đơn giá sản phẩm nên người lao động dù có làm thêm giờ, có thêm thu nhập nhưng khoản tăng thêm này không phải là giá trị như chúng ta mong muốn và Bộ luật Lao động đã quy định.

“Lần trước tôi có phát biểu đồng ý với quan điểm của Chính phủ tăng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ một năm nhưng trường hợp nào, ngành nghề nào và tiền lương thế nào phải rõ. Chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? Đất nước phát triển, xã hội tiến bộ, văn minh nhưng mỗi lần sửa luật là lại đặt vấn đề tăng thêm giờ làm việc cho người lao động. Quan điểm của tôi không đồng ý. Tôi đề nghị cân nhắc thật thấu đáo việc này”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Xét về tổng thể, Bộ luật Lao động phải trả lời cho câu hỏi: Thông qua những quy định mới được sửa đổi, bổ sung lần này thì người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện cho người lao động, Nhà nước, xã hội, đất nước chúng ta được cái gì? Quyền lợi nào của người lao động được tăng lên? Quyền lợi nào của người sử dụng lao động được bảo đảm? “Bộ luật này phải bảo vệ tất cả các đối tượng, hài hòa lợi ích, nghĩa vụ. Quyền lợi nào của người lao động bị giảm đi, nghĩa vụ nào tăng lên và nghĩa vụ nào giảm đi? Phải trả lời những câu hỏi này, tìm được điểm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Pháp luật là phải theo xu hướng tiến bộ. Chúng ta phải bám sát nguyên tắc đất nước phát triển hơn thì tất cả những người dân Việt Nam, trong đó có người lao động và người sử dụng lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, được hưởng thành quả nhiều hơn từ lợi ích của sự phát triển đất nước”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Nguyễn Bình