Theo dòng sự kiện

Phải thực sự là cơ quan chuyên trách

- Thứ Ba, 05/11/2019, 12:11 - Chia sẻ
Một điểm nhấn quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 được các ĐBQH ghi nhận trong phiên họp toàn thể hôm qua, 4.11 là, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh.

Điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ mà theo nhận xét của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), “đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy”. Năm 2019 cũng ghi nhận bước tiến trong kết quả thu hồi tài sản qua xử lý các vụ án tham nhũng khi tăng 5,6% so với năm 2018, đạt 25,6%.

Dù vậy, những kết quả đấu tranh PCTN phải nói thẳng là, vẫn còn khiêm tốn so với đòi hỏi của thực tiễn và so với quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội. Vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ, nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lý giải về điều này, lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã nhiều lần cho rằng, việc chứng minh yếu tố tham nhũng, nhận hối lộ qua án truy xét là vô cùng khó.

Quả thực là vô cùng khó. Nhưng có khó đến mức không làm được? Hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác?

Nêu dẫn chứng cụ thể vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng bọn, ĐB Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền, các bị cáo còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ, sau đó được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp cao đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ. Nhưng đến nay, kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn chưa nghiêm, chưa triệt để. Vì thế, cũng dễ hiểu khi cử tri đặt vấn đề “có tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng hay không”. “Nếu đúng như vậy thì đây là điều rất buồn và không thể chấp nhận được”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói trong phiên thảo luận chiều qua.

Ở khía cạnh khác, Ủy ban Tư pháp cũng nêu một thực tế đáng lo ngại. Đó là, hiện nay, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” nữa. Theo đó, đơn vị chuyên trách PCTN của Thanh tra Chính phủ ngoài công tác tham mưu trong hoạch định, thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN, giúp Thanh tra Chính phủ tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong thực hiện pháp luật về PCTN thì còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Bộ Công an, bên cạnh chức năng điều tra tội phạm về tham nhũng còn được giao điều tra tội phạm về kinh tế, buôn lậu trong khi việc điều tra nhiều vụ án tham nhũng khác lại được giao cho cơ quan khác thực hiện. Hay, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, bên cạnh việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, còn thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án chức vụ. Liệu việc phải “ôm đồm” nhiều nhiệm vụ như vậy có phải là nguyên nhân khiến cho các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng chưa thực sự phát huy được vai trò “chuyên trách”, “nòng cốt”?

Để PCTN hiệu quả thì một yêu cầu tiên quyết là lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ này phải thực sự tinh nhuệ về nghiệp vụ, trong sạch, liêm chính về phẩm chất, đạo đức. Và thế, một nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chính là tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nhằm bảo đảm các đơn vị này phải thực sự là cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Song song với việc kiện toàn về tổ chức, thì phải rà soát và lựa chọn cho được những cán bộ tinh nhuệ nhất, liêm chính nhất tham gia vào lực lượng này! 

Nguyễn Bình