Phải theo sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát

- Thứ Ba, 26/06/2012, 08:30 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND thành phố Cần Thơ vừa qua, đa số ý kiến cho rằng hoạt động của HĐND thành phố đã có nhiều đổi mới, tiếp tục khẳng định được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đặc biệt, hoạt động giám sát giữa hai Kỳ họp của các Ban HĐND đã có nhiều sáng tạo, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm...

Trước hết, hoạt động TXCT đa dạng và phong phú hơn, có Tổ đại biểu chia làm 2 Tổ nhỏ theo đơn vị bầu cử để tiếp xúc, bảo đảm mỗi đợt TXCT đủ ở tất cả các phường; cũng có Tổ không phân công đại biểu TXCT riêng lẻ mà tổ chức cho cả Tổ tập trung TXCT ở cùng một địa điểm, sau đó lần lượt đến các điểm khác. Trước mỗi đợt TXCT, Thường trực HĐND thành phố đều có mẫu báo cáo kết quả TXCT gửi đến từng đại biểu, riêng Tổ trưởng có thêm mẫu báo cáo kết quả TXCT của Tổ mình. TXCT xong, mỗi đại biểu HĐND hoàn chỉnh báo cáo theo mẫu và gửi về Tổ trưởng để tổng hợp chung kết quả TXCT của các thành viên trong Tổ. Cách làm này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri theo yêu cầu, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu trong tổ.

Một hoạt động đáng được ghi nhận trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thời gian qua là Thường trực HĐND đã phối hợp với các cơ quan báo, đài ở địa phương mở chuyên mục Nhịp cầu dân cử trên Báo Cần Thơ và Chương trình Với cử tri thành phố trên Đài PTTH thành phố, giúp cử tri theo dõi, nắm được các kiến nghị của mình đã được các cơ quan xem xét, giải quyết như thế nào. Điều này không những đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân, mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của HĐND đến cử tri và nhân dân.

Thường trực HĐND thành phố cũng đã tổ chức Hội nghị giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ Kỳ họp thứ 2 đến ngày 30.3.2012 theo hình thức chất vấn và trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp; phối hợp Đài PTTH Thành phố ghi hình toàn cảnh hội nghị để phát sóng chuyên đề sau Hội nghị, góp phần làm sáng tỏ những vụ việc được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần như trật tự, kỷ cương đô thị, quản lý nhà nước và trật tự xã hội... Điều này không chỉ thể hiện tính dân chủ rộng rãi, sự gắn kết giữa HĐND, đại biểu HĐND với UBND, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện mà còn tạo điều kiện cho cử tri thực hiện quyền giám sát đối với các đại biểu do mình bầu ra. Hiệu quả thể hiện rõ nét nhất ở kết quả thực tế, các cơ quan cấp thành phố và UBND quận, huyện đã quan tâm tiếp thu, nghiên cứu, trả lời và giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri đặt ra. Kết quả rà soát từ Kỳ họp thứ 2 đến ngày 30.3.2012, 257/367 ý kiến cử tri đã được giải quyết dứt điểm và giải quyết một phần, đạt tỷ lệ 70,3%, vượt trội so với cùng kỳ.

Trong thời gian giữa 2 kỳ họp, hoạt động giám sát của các Ban HĐND đã có nhiều sáng tạo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban HĐND đã tổ chức được 20 đợt giám sát, làm việc trực tiếp và gián tiếp với 65 cơ quan, đơn vị. Trong đó chú trọng hơn đến công tác khảo sát thực tế để nắm tình hình trước khi thực hiện giám sát, trên cơ sở đó làm việc trực tiếp với các cơ quan, ngành chức năng để xem xét thấu đáo vấn đề; hay giám sát thông qua báo cáo đối với những vấn đề có tầm ảnh hưởng rộng đến xã hội như: nước sạch, ô nhiễm môi trường, phát triển KT - XH. Cách làm này vừa hạn chế tốn kém, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được giám sát vừa giúp các Ban HĐND giám sát được trên diện rộng đối với nhiều cơ quan.

Bên cạnh những kết quả nổi bật thời gian qua, hoạt động của HĐND TP Cần Thơ cũng còn nhiều mặt cần tiếp tục rút kinh nghiệm. Đó là hoạt động giữa 2 kỳ họp chủ yếu vẫn tập trung ở các đại biểu HĐND chuyên trách; vẫn còn 29,7% ý kiến cử tri đặt ra chưa được xem xét giải quyết hoặc cần phải có thời gian mới giải quyết được. Bên cạnh đó, việc góp ý đối với các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp của đại biểu HĐND chưa nhiều, chủ yếu đề cập đến ngành, lĩnh vực chuyên môn của mình mà chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đại diện nhân dân để định hướng phát triển KT - XH của thành phố, cũng như chăm lo cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, về mặt khách quan do có cơ quan, đơn vị chưa hiểu hết hoạt động của HĐND, nên từng lúc thực hiện chưa nghiêm túc các nội dung yêu cầu của HĐND, Thường trực, các ban của HĐND; việc phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ từng lúc cũng chưa được chặt chẽ, thiếu kịp thời; một số cơ quan, đơn vị trình xin ý kiến HĐND, Thường trực, các ban HĐND một số nội dung không đúng thẩm quyền, do đó phải chuyển các nội dung này cho UBND các cấp xem xét, giải quyết. Về mặt chủ quan, hình thức TXCT còn khá đơn thuần, chưa tổ chức được TXCT theo chuyên đề, cử tri tham dự tại các buổi tiếp xúc còn ít và có tình trạng cử tri chuyên trách; các tổ đại biểu cũng chưa quan tâm nhiều đến việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri do tổ mình tổng hợp, kiến nghị mà giao phó cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố và đại biểu chuyên trách.

Xuất phát từ thực tế trên, tại Hội nghị rút kinh nghiệm vừa qua, các đại biểu HĐND Thành phố đã thống nhất cần nâng cao và cải tiến đồng bộ hoạt động của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban, Tổ đại biểu HĐND, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị đối với UBND Thành phố và các cơ quan chuyên môn. Hội nghị yêu cầu từng đại biểu HĐND, nhất là đại biểu kiêm nhiệm bên cạnh công việc chuyên môn cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND; đầu tư nghiên cứu, đóng góp ý kiến tại các kỳ họp; mạnh dạn thực hiện quyền chất vấn của mình. Muốn vậy, các đại biểu phải nắm đầy đủ thông tin về nội dung chất vấn, liên hệ với tình hình thực tiễn thời gian qua, gắn với ý kiến, kiến nghị của cử tri đã gửi gắm. Đối với Thường trực HĐND Thành phố và các Ban HĐND Thành phố cần đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung giám sát, bảo đảm giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đặc biệt là phải theo sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ngành trong quản lý nhà nước ở địa phương đối với lĩnh vực được phân công. Hàng quý, Thường trực và các Ban HĐND Thành phố cần tổ chức đối thoại với UBND, các cơ quan chức năng xoay quanh kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Đinh Thị Minh Thư