Vận động bầu cử:

Phải thấu hiểu, chân thành

- Thứ Sáu, 06/05/2016, 08:09 - Chia sẻ
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường LÊ BỘ LĨNH, người ứng cử cần thể hiện bản lĩnh, tâm huyết của mình, không ngại đối diện với những vấn đề nóng, gai góc mà cử tri đặt ra, sự chân thành và thấu hiểu chính là cách tốt nhất để chinh phục được cử tri.

Chương trình hành động phải “đúng vai”

-  Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu ra 500 ĐBQH Khóa XIV và hàng chục nghìn đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông có suy nghĩ như thế nào về cuộc bầu cử lần này?

- Tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động, tin tức liên quan đến cuộc bầu cử. Lần này, các địa phương đều chấp hành nghiêm quy định của Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND về việc bảo đảm số dư tối thiểu ở mỗi đơn vị bầu cử là 2 người. Việc thực hiện theo quy định hiện hành là cần thiết, giúp cử tri có điều kiện để so sánh, lựa chọn người xứng đáng nhất. Nhưng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND sẽ chịu áp lực lớn, phải thể hiện rõ năng lực, tâm huyết của mình trong quá trình vận động bầu cử, từ đó thu hút sự ủng hộ và lựa chọn của cử tri. Để vượt qua thách thức này, mỗi người ứng cử phải tận dụng tối đa cơ hội từ các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Lê Bộ Lĩnh

Cử tri ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn với đại biểu dân cử. Do đó, trong các cuộc tiếp xúc với người ứng cử, cử tri có thể nêu thẳng thắn quan điểm của mình về những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm. Điều đó đòi hỏi người ứng cử phải bắt được nhịp đập của cuộc sống, thấu hiểu những điều cử tri đang trăn trở và mong muốn, gửi gắm ở người đại diện. Vì vậy, người ứng cử phải  đưa ra chương trình hành động sát thực tế, tập trung vào nguyện vọng của cử tri, hiểu đúng vấn đề được nêu ra tại buổi tiếp xúc. Thực tế tiếp xúc cử tri của tôi trong các cuộc bầu cử trước cho thấy, cử tri cũng có thể đưa ra những câu hỏi tưởng chừng mang tính cá biệt, rất cụ thể, nhưng đòi hỏi người ứng cử phải biết nhìn nhận, liên hệ vấn đề cụ thể này với cơ chế, chính sách, khái quát thành vấn đề chung cũng như bám sát chức năng của QH, HĐND và đại biểu dân cử để có thể giải đáp thỏa đáng cho cử tri

- Cử tri ở mỗi địa bàn sẽ có những mối quan tâm khác nhau, mà thời gian dành cho vận động bầu cử cũng không nhiều. Từ kinh nghiệm cá nhân, ông có gợi ý nào với những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND hay không?

- Đến thời điểm này, ở nhiều địa phương, người ứng cử đã bắt đầu tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, khi đến các điểm tiếp xúc, người ứng cử cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phản ứng của cử tri để điều chỉnh một số chi tiết nhỏ trong chương trình hành động, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri ở các điểm sau. Từ kinh nghiệm tham gia ứng cử ĐBQH tôi thấy, chương trình hành động chỉ nên trình bày một số điểm nhấn trong dự định của người ứng cử, còn khi trả lời trực tiếp các nội dung được cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc thì người ứng cử phải thể hiện rõ quan điểm của mình. Cử tri cũng có thể đưa ra những vấn đề nằm ngoài chương trình hành động. Thực ra, điều này cũng không làm khó người ứng cử vì ĐBQH, đại biểu HĐND là người thể hiện tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong quá trình hoạch định chính sách, pháp luật, là người chuyển tải ý kiến của cử tri đến các cơ quan có trách nhiệm, chứ không nhất thiết phải là người trực tiếp giải quyết những vụ việc cụ thể cho cử tri. Do đó, chương trình hành động không chỉ cần có những cam kết thiết thực với cử tri, mà phải đúng vai của đại biểu dân cử, nắm vững chính sách, pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm giải trình, xử lý vấn đề mà cử tri nêu. Cử tri rất tinh nhạy, nên nói hay mà không thiết thực, không rõ trách nhiệm cũng khó nhận được sự ủng hộ của họ.


Đoàn kiểm tra giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia kiểm tra công tác bầu cử tại khu vực bầu cử số 2, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng

Đại biểu tái cử không có lợi thế tuyệt đối

 - Có ý kiến cho rằng, sự khác biệt trong vận động bầu cử cũng sẽ giúp cho người ứng cử tạo dấu ấn mạnh hơn. Ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Đúng vậy, người ứng cử cần khai thác lợi thế, đặc điểm riêng của mình để tạo dấu ấn với cử tri. Mỗi người ứng cử đều có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình và cần sử dụng những lợi điểm này để đi sâu phân tích, giải trình ý kiến của cử tri một cách thuyết phục, thể hiện tính khả thi của chương trình hành động… Người ứng cử biết cách đưa ra điểm khác biệt của mình đúng mức sẽ có lợi thế nhất định, nhưng vẫn cần nhấn mạnh một điểm chung của bất cứ một đại biểu nào đó là phải thực sự đại diện cho dân, nói lên ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

- Với kinh nghiệm hoạt động của mình, người ứng cử là ĐBQH, đại biểu HĐND nhiệm kỳ trước tái cử sẽ có lợi thế nhất định khi vận động bầu cử, thưa ông?

- Đại biểu tái cử có thuận lợi nhất định trong quá trình vận động bầu cử, vì với kinh nghiệm của hàng chục cuộc tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ trước, họ nắm bắt vấn đề, yêu cầu của cử tri nhanh hơn, tự tin hơn khi đối mặt với các câu hỏi trực tiếp của cử tri. Nhưng điều này không phải là lợi thế tuyệt đối, vì cử tri cũng có yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với đại biểu tái cử. Cử tri sẽ nhìn vào việc thực hiện lời hứa, chương trình hành động của đại biểu tái cử trong nhiệm kỳ trước để đánh giá xem họ có đủ năng lực đại diện cho mình hay không. Vì thế, đại biểu tái cử không thể chủ quan, mà phải nỗ lực hơn để thể hiện được điểm mới trong chương trình hành động, cũng như trong câu trả lời với cử tri trước những vấn đề cũ. Người ứng cử lần đầu có thể đưa ra lời hứa với một vướng mắc, hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục, song đại biểu tái cử thì phải chỉ rõ: vấn đề này đã được đặt ra trên bàn nghị sự của QH, HĐND ra sao, đang được xử lý đến đâu? Đại biểu tái cử phải nỗ lực để nâng tầm của mình lên, không thể hài lòng với những lợi thế sẵn có. 

- Ông có nhắn nhủ gì với những người ứng cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021?

- Hãy thể hiện bản lĩnh, tâm huyết của mình, không ngại đối diện với những vấn đề nóng, gai góc mà cử tri đặt ra. Sự chân thành và thấu hiểu của người ứng cử là cách tốt nhất để chinh phục được cử tri.

- Xin cảm ơn ông!

 “Dù mỗi ứng cử viên sẽ phải di chuyển liên tiếp đến nhiều địa bàn khác nhau để tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, nhưng vẫn khó có thể tiếp cận với tất cả những cử tri ở địa bàn ứng cử. Do đó, các ứng cử viên có thể có những hình thức tiếp xúc khác như gặp gỡ trực tiếp, qua phương tiện truyền thông… hoặc chú ý tạo sức lan tỏa từ các cuộc tiếp xúc cử tri được MTTQ các cấp tổ chức. Người ứng cử cần chú ý đến những yếu tố sẽ tác động đến từng đối tượng cử tri cụ thể ở địa bàn ứng cử. Cử tri ở mỗi nhóm sẽ có quan tâm riêng của mình, nên ngoài vấn đề chung của địa phương, thì người ứng cử cần chú ý đến thành phần nào chiếm số đông trên địa bàn ứng cử để tập trung làm rõ chương trình hành động của mình một cách phù hợp”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Lê Bộ Lĩnh

Phương Thủy thực hiện