Phải “thấm đẫm” tinh thần cải cách

- Thứ Ba, 29/10/2019, 07:43 - Chia sẻ
Tại Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng qua, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhiều chỉ số cải cách đã “đến trần”, đòi hỏi phải hành động quyết liệt hơn. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là tinh thần, hành động của toàn bộ Chính phủ, tất cả bộ trưởng phải “thấm đẫm” tinh thần này.

Cải cách đang có xu hướng chững lại

Nhìn vào bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2016 - 2019, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM Nguyễn Minh Thảo đúc kết: “Cải cách đang có xu hướng chững lại”. Lý giải điều này, bà Thảo chỉ rõ: Năm 2019, Việt Nam chỉ có 2 chỉ số được ghi nhận cải cách gồm nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, năm 2018, có 3 chỉ số được ghi nhận cải cách (gồm khởi sự kinh doanh, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp hợp đồng nhờ công khai bản án); năm 2017, con số này lên tới 5 chỉ số (tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng).

Riêng trong năm nay, mặc dù Việt Nam xếp hạng 70 về môi trường kinh doanh toàn cầu, đứng thứ 5 ASEAN song đại diện CIEM nhấn mạnh “khoảng cách này vẫn còn khá xa so với các nước dẫn đầu như Singapore (xếp hạng 2), Malaysia (hạng 12), Thái Lan (hạng 21), Brunei (hạng 66).

Còn theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc, là mức tăng cao nhất thế giới (từ bậc 77 lên bậc 67). “Kết quả cải thiện thứ hạng này thể hiện nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ thông qua cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh…”, đại diện CIEM nhìn nhận. Tuy vậy, “môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản”. Minh chứng là cùng một quy định chính sách nhưng cách thực thi khác nhau; doanh nghiệp vẫn lo ngại đối với công tác thanh kiểm tra; có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự phân chia quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước…

Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập kéo dài vẫn chưa khắc phục được. Chẳng hạn, liên quan kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT, từ khi nhập khẩu cho đến khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp cần hơn 1 tháng để có chứng nhận hợp quy trên hệ thống và dán tem hợp quy với chi phí 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, tình trạng không thống nhất danh mục áp thuế giữa cơ quan hải quan và các bộ quản lý chuyên ngành; tình trạng nghẽn và rớt mạng của hệ thống… cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp.


Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo
Ảnh: Đan Thanh

“Nộp thuế dễ, hoàn thuế rất khó”

Dựa trên kết quả khảo sát khoảng 10.000 doanh nghiệp trong năm 2018, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đưa ra bức tranh không mấy tích cực về đánh giá của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh. Theo đó, đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội vẫn là những lĩnh vực thủ tục hành chính “phiền hà nhất”. Có 16% doanh nghiệp phải chờ đợi hơn 1 tháng mới có đủ tất cả giấy tờ cần thiết để chính thức đi vào hoạt động, trong khi năm 2014 chỉ có 10%; 31% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp; 31% cho rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi; chỉ có  27% doanh nghiệp cho biết dễ tuân thủ các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành…

Một điểm đáng chú ý nữa được ông Tuấn chỉ ra liên quan đến niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp. Mặc dù điều này đã được cải thiện khi năm 2017 chỉ có 36% doanh nghiệp lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp thì năm 2018, con số này đã tăng lên 45%. Tuy vậy, “niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp còn thấp, nguyên nhân bởi cải cách tư pháp ở các địa phương còn chậm”, ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm bổ sung, nếu nhìn cả giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 5.2019, cả nước có 816.000 doanh nghiệp thành lập mới song cũng có 560.000 doanh nghiệp giải thể cho thấy môi trường kinh doanh “chưa thực sự tốt để doanh nghiệp tồn tại, phát triển”.

Mặc dù nộp thuế là chỉ số được WB ghi nhận có cải cách, song đại diện VITAS cho rằng, hiện “nộp vào thì dễ mà hoàn thuế lại rất khó”. Đơn cử, một số doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh và phải nhập máy móc, thiết bị. Theo quy định, phần mở rộng này không được hoàn thuế ngay mà phải chờ khi có giá trị gia tăng phát sinh mới được hoàn. Vậy nhưng với doanh nghiệp dệt may “xuất khẩu thuế bằng 0 thì lấy đâu ra giá trị gia tăng?”, ông Cẩm đặt vấn đề. Đồng thời xác nhận, “có doanh nghiệp 3 năm nay bị nợ đọng hơn 30 tỷ tiền thuế”, rất cần được gỡ vướng để đầu tư sản xuất.

Không chuyển sang tính thị trường khó tạo bứt phá

Từ thực tế cải cách môi trường kinh doanh hiện nay, theo các chuyên gia, trước tiên phải cải cách chính tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào; nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ xác định về cải cách điều kiện kinh doanh cũng như quản lý kiểm tra chuyên ngành…

Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện nhiều chỉ số cải cách đã “đến trần”. Việc cải cách vẫn phụ thuộc vào một số cơ quan, một số người đứng đầu và một số chỉ số. Năm nay Việt Nam bị tụt một bậc trong bảng xếp hạng của WB, nếu không làm mạnh mẽ hơn thì năm sau có thể sẽ là hạng 71, 72 hay thấp hơn nữa.

Ông Cung chỉ rõ, muốn thay đổi thứ hạng cần có cách tiếp cận khác hơn. “Cứ nói mãi thay đổi tư duy, nhưng không thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, chuyển mạnh sang hậu kiểm trên cơ sở phân tích rủi ro… thì không thể thay đổi một cách triệt để”. Do vậy, theo vị chuyên gia này, chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là tinh thần, hành động của toàn bộ Chính phủ, tất cả bộ trưởng phải “thấm đẫm” tinh thần này. Đồng thời, cải cách phải chuyển mạnh sang tính thị trường thì nền kinh tế mới bứt phá. Tức phải để thị trường điều tiết nền kinh tế, Nhà nước chỉ bổ sung vào khiếm khuyết mà thị trường không thể điều tiết được.

Đan Thanh