Phải tăng trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 06:48 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hai vấn đề lớn. Một là, chủ thể xử phạt được mở rộng ra rất nhiều so với các luật trước. Theo như tôi biết, rất nhiều người thuộc chủ thể xử phạt nhưng lại không thực hiện hành vi xử phạt và cũng chẳng sao cả. Hai là, việc chấp hành việc xử phạt cũng rất yếu. Pháp luật quy định rất nhiều nhưng khâu thực hiện rất yếu, trong đó có trách nhiệm của những người liên quan đến thực thi pháp luật.

Vì thế, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được trình Quốc hội, tôi cho rằng, bây giờ, tăng cường trách nhiệm của chủ thể xử phạt là hết sức quan trọng. Phải coi đấy là trách nhiệm một cách rõ ràng, pháp luật đã quy định cho anh được quyền xử phạt nhưng nếu có hành vi vi phạm mà anh lại không xử phạt thì chính anh phải bị xử lý. Nói nghe có vẻ nặng nề nhưng tôi nghĩ phải như thế mới đúng. Bản thân anh vi phạm thì bị xử lý đã đành. Nhưng trong trường hợp anh được giao quyền xử phạt mà lại không xử phạt thì coi như là vô hiệu hóa pháp luật. Cho nên, phải tăng cường việc này.

Liên quan đến mức xử phạt, tiến bộ của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là mức xử phạt đưa lên khá cao. Tôi dùng từ “khá” nhưng tôi nghĩ là “rất” cao. Đối với cá nhân, mức xử phạt tối đa là 1 tỷ đồng; đối với tổ chức, mức xử phạt tối đa là 2 tỷ đồng. Nhưng thực tế lại có câu chuyện, mức xử phạt tối đa này khi đi vào từng lĩnh vực một thì lại bị kéo tụt xuống. Ví dụ, đối với hành vi mà quy định chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính xử phạt ở mức 1 tỷ đồng thì trong lĩnh vực cụ thể lại bị đưa xuống mức rất thấp. Cho nên, chúng ta cứ nghe một câu rất quen thuộc là “không đủ sức răn đe, mức phạt thấp”. Lần này, sửa đổi Luật đề nghị đưa mức trần của từng lĩnh vực một lên cao nhất có thể để từ đó đến được các hành vi cụ thể phải ở mức rất cao. Để tránh câu chuyện vì khống chế ở mức trần thấp rồi đến hành vi cụ thể lại không cao lên được nữa.

Thực tế ở đây còn có câu chuyện không hoàn toàn là mức phạt cao mà ở chừng mực nào đó, trong ý thức của người dân phải thấy rằng cứ vi phạm là phải bị xử phạt. Ở nước ngoài, người dân lái xe, đang mải nói chuyện nhỡ vượt đèn đỏ rồi vẫn đi tiếp được nhưng hôm sau là nhận phiếu xử phạt ngay. Tức là trong ý thức của người tham gia giao thông là cứ vi phạm là bị xử phạt. Nhưng ở nước ta thì chuyện xử phạt là "chẳng may" bị xử phạt, "chẳng may" bị bắt thôi. Đấy là câu chuyện mà tôi nghĩ rằng, trong sửa đổi, bổ sung Luật phải nắm bắt được để có quy định cụ thể về trách nhiệm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lên chứ không phải là cứ nhăm nhăm xử phạt. Người có thẩm quyền thì không xử phạt dù có đầy đủ hành vi vi phạm. Bước ra ngoài đường thì từ giao thông cho đến rất nhiều lĩnh vực vi phạm tràn lan nhưng không có mấy khi bị xử phạt. Thế thì không bao giờ nâng ý thức chấp hành pháp luật lên được.

Còn các giải pháp, tôi nói thật, chuyện mà gọi là cắt điện, cắt nước như đề xuất là rất “cùn”, thể hiện sự bất lực của cơ quan nhà nước. Mức phạt thì cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận. Liên quan đến túi tiền của người dân thì trên thế giới cũng thấy là có 2 trường phái. Một trường phái, người ta cũng xem mức độ nào là vừa phải, đúng mức so với thu nhập của người dân. Một trường phái khác, người ta không cần biết anh có tiền hay không có tiền, anh có làm ra tiền hay không làm ra tiền, cứ vi phạm là phạt, còn nếu không muốn bị phạt thì đừng vi phạm. Tiếp nữa là vấn đề thực thi, trách nhiệm của người thực thi pháp luật còn có chuyện “đầu voi đuôi chuột”. Đơn cử như lúc trước dịch Covid-19 thì thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nghe chừng rầm rộ lắm, bây giờ lại thấy uống vô tư, uống xong rồi lái xe thoải mái.

Nói tóm lại, xung quanh Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo tôi, chỉ có mấy việc: Đã quy định đầy đủ chưa? Mức phạt như thế đã tương xứng chưa? Trách nhiệm của người thực thi pháp luật thế nào?

N. Bình lược ghi