Phải rốt ráo hơn nữa!

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:11 - Chia sẻ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 15 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của 35 ĐBQH tại phiên họp hôm qua của UBTVQH. Dù chưa có những tình huống truy vấn đến cùng trách nhiệm như mong đợi, dù trong một số trường hợp, “lời hứa” của các bộ trưởng, trưởng ngành mới chỉ “chạm nhẹ” đến yêu cầu của ĐBQH nhưng phiên chất vấn đã cho thấy hiệu quả từ cách làm của QH, UBTVQH, ĐBQH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát, chất vấn. Từ phiên chất vấn cũng đòi hỏi Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải rốt ráo và “say sưa” hơn nữa mới có thể làm tròn trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân.

Ngắn gọn và không né trách nhiệm

Điểm cộng đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn dành cho cả người chất vấn và người trả lời chất vấn chính là việc áp dụng triệt để phương thức hỏi nhanh - đáp gọn. Trong suốt phiên chất vấn, chủ tọa điều hành chưa lần nào phải nhắc nhở các bộ trưởng, trưởng ngành hay các ĐBQH phải “gọn lại” hoặc “tập trung vào nội dung chất vấn”.

Điểm cộng thứ hai chính là tinh thần cầu thị, không né tránh trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. 4 nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận của UBTVQH với những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, những mốc thời gian thực hiện rất rõ ràng, được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị rất kỹ lưỡng đã tạo nhiều thuận lợi cho điều hành của Chính phủ và Thủ tướng nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực rất lớn cho các Bộ trưởng, trưởng ngành. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng khẳng định, “Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã tổ chức triển khai rất nghiêm túc và đạt được một số kết quả rất tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội cũng như củng cố quốc phòng, an ninh”. Trong đó, nhiều lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực, đo đếm được bằng những con số cụ thể. Đơn cử như lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, có những lúc trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực là trên 30% nhưng cơ bản hiện nay chỉ còn dưới 10%. Vấn đề rất nan giải là đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài, trong khi các mạng này chưa có văn phòng đại diện ở nước ta, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp của nước ta thì trong 1 năm vừa qua, những kết quả đạt được cũng rất tích cực. “Đối với Facebook, trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu, họ chỉ thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu là từ 70 - 75%. Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây khoảng 60%, bây giờ thì 80 - 85%, Apple trước đây gần như không thực hiện, gần đây tỷ lệ thực hiện là 75% các yêu cầu”, “tư lệnh” ngành thông tin, truyền thông nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn tại phiên họp Ảnh: Quang Khánh

Những giải pháp mới, quyết liệt với mốc thời gian cụ thể cũng đã được các “tư lệnh” ngành đưa ra. Như với sim rác - câu chuyện bức xúc, tồn tại nhiều năm nay nhưng trong 1 năm vừa qua đã cơ bản cắt bỏ sim không đủ thông tin. Từ nay đến tháng 9, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung giải quyết lượng “sim rác” trên kênh, yêu cầu các nhà mạng phải mua lại, giao trách nhiệm trực tiếp đến các tổng giám đốc của các công ty viễn thông, nếu tồn tại sim rác trên các nhà mạng thì nhà mạng đó sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới.

Hay trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đổi mới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và hiện đang được tích cực triển khai thực hiện. Theo lộ trình đến năm 2021 sẽ sửa đổi, bổ sung những quy chuẩn, tiêu chuẩn cốt lõi nhất, còn lại những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác sẽ được hoàn thành cho đến năm 2030. Ngay trong năm 2019, sẽ ban hành 3 quy chuẩn rất quan trọng trong hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay là quy chuẩn về quy hoạch, quy chuẩn về nhà chung cư và quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

Thậm chí, có những việc được các Bộ trưởng khẳng định sẽ làm ngay như Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, “ngay trong tuần tới sẽ dành thời gian nghe lại cụ thể việc chi trả sai trợ cấp thất nghiệp, đặc biệt sẽ làm việc trực tiếp với Kiểm toán Nhà nước để xem cách thức xử lý trong từng trường hợp như thế nào. Đồng thời, trong năm 2020, sẽ tập trung thanh tra về thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp”...

Chưa tận dụng hết cơ hội

Điểm mới trong công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này là, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã có một Bảng phân tích, đối sánh giữa yêu cầu của Nghị quyết, kết luận; việc tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ ngành và kết quả thẩm tra, đánh giá của các cơ quan của QH nhằm cung cấp cho các ĐBQH một bức tranh tổng thể về những việc đã làm được, chưa làm được và nguyên nhân vì sao chưa làm được. Dù vậy, có thể thấy là, nhiều ĐBQH chưa tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu được cung cấp để có thể truy vấn đến cùng trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành về những lĩnh vực chậm chuyển biến hay thậm chí là “giậm chân tại chỗ”.

Nhiều cơ hội tìm câu trả lời thỏa đáng đã bị bỏ lỡ. Như với chất vấn của ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) về việc sử dụng vốn vay ODA đầu tư cho 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều bị chậm tiến độ và đội vốn dự kiến lên đến trên 80 nghìn tỷ đồng. Dù cả tư lệnh ngành tài chính và tư lệnh ngành kế hoạch - đầu tư đều trực tiếp trả lời về nội dung này nhưng đáng tiếc, trách nhiệm thuộc về ai thì lại chưa rõ. Bởi theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, “trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, còn lại là các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt dự án, triển khai. Các dự án chúng tôi tham gia thì có trách nhiệm liên quan”. Còn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dù nhấn mạnh “tôi đi thẳng vào trả lời câu hỏi của đại biểu” nhưng cũng không có thông tin nào mới hơn. Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân chính là bởi đây là những dự án đường sắt đô thị đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện nên những hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực của chúng ta từ tư vấn cho đến cơ quan quản lý cũng chưa theo kịp và chưa đáp ứng được. Từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện, 5 dự án này đã điều chỉnh lại và đã làm tăng vốn rất lớn. Cụ thể là, tuyến đường sắt thứ nhất của đô thị Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tức là tăng thêm 30.000 tỷ đồng; dự án số 2 cũng tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng; dự án của Hà Nội cũng tăng khoảng 40.000 đến 50.000 tỷ đồng. Dù vậy, theo ông Dũng, “cũng không nên nói ngay đó là đội vốn, mà thực ra chúng ta tính chưa hết hoặc tính không đầy đủ. Tất nhiên chúng ta càng kéo dài thì chi phí càng phát sinh là đúng rồi. Nhưng việc vượt lên rất lớn như vậy thì nguyên nhân chính là do chúng ta không lường hết được các quy mô cũng như các hạng mục của dự án nên chúng ta buộc phải điều chỉnh lại”.

Một cơ hội khác có lẽ cũng khiến các ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Leo Thị Lịch (Bắc Giang) tiếc nuối khi chất vấn các thành viên Chính phủ về những bất cập trong bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc. Đây không phải là vấn đề mới, đã được phát hiện từ lâu, kết luận của UBTVQH đề nghị có thể ưu tiên cân đối nguồn lực từ nguồn dự phòng. “Nếu thực tế chúng ta quan tâm đến việc thực hiện chính sách cho đồng bào thì không thể nào một chính sách đặc thù để giải quyết về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào nghèo cũng như giải quyết những chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người mà bắt đồng bào phải chờ đợi chúng ta 4 năm”, ĐB Trần Thị Hoa Ry tâm tư. Tất nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách dân tộc như tại phiên họp thường kỳ tháng 7.2019, Chính phủ đã thông qua Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiến hành thực hiện từ giai đoạn 2021 để trình QH tại Kỳ họp thứ Tám tới... Nhưng thực tiễn thời gian qua cũng đã cho thấy, nếu không chỉ rõ được trách nhiệm trong việc phân bổ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc thì rất có thể những nỗ lực ở tầm vĩ mô như vậy cũng khó mà đến được với đồng bào.

Gói gọn trong một ngày làm việc, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã bao quát gần hết các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Trong đó, có những nội dung không dễ giải quyết dứt điểm trong một vài năm hoặc thậm chí là hàng chục năm tới. Dù vậy, từ những kết quả đã làm được và chưa làm được đòi hỏi mỗi bộ trưởng, trưởng ngành phải sát sao thực tiễn, phải rốt ráo và “say sưa” hơn nữa mới có thể làm tròn trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân. 

Lam Anh